Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ai hiểu con hơn mẹ? Đó chính là Facebook!

Ai hiểu biết về gia đình, bạn bè và người yêu của bạn hơn chính bạn? Đó là… một chiếc máy tính! Nói rõ hơn, nếu nó nghiên cứu kỹ những lần bấm “Thích” của bạn trên Facebook.

Chỉ cần xem 10 nút “Thích”, máy tính có thể cho biết chính xác tính cách đồng nghiệp của bạn

Đó là kết quả của một cuộc khảo sát chứng minh rằng máy tính có thể phán đoán về cá tính của một cá nhân chính xác hơn phán đoán của con người, mà chỉ dựa vào những lần bấm “Thích” của người đó trên Facebook.


Giáo sư Michal Kosinski của Stanford Graduate School of Business, người chủ trì cuộc khảo sát nói rằng những vận dụng nghiên cứu này vào lĩnh vực từ tiếp thị đến tư vấn nghề nghiệp thật to lớn, hiểu được hành vi của con người giúp các đảng phái chính trị vạch ra chiến lược tranh cử hợp lý, hoặc giúp các nhà tư vấn nghề nghiệp định hướng nghề cho sinh viên.

Cuộc nghiên cứu cho thấy lợi thế to lớn của máy tính so với con người là nó có thể kết hợp hàng triệu mẩu thông tin, so sánh với mẩu thu thập được và dự đoán ngay được kết quả mà không hề sai lệch.

Tuy nhiên cuộc khảo sát cũng làm nảy sinh vấn đề về sự riêng tư, bởi vì thường thì người ta không nhận thức rằng những cú bấm “Thích” vô tư của mình lại có thể chuyển thành những dự đoán về hành vi cá nhân. Ông Kosinski nói: “Người ta không thật sự hiểu rằng thông tin ảnh hưởng tới họ như thế nào, khi mà họ không hề cung cấp thông tin một cách hiển nhiên”.

Một máy tính chỉ cần lấy dữ liệu từ 10 lượt “Thích” trên Facebook để đưa ra thông tin chính xác về tâm tính một đồng nghiệp của bạn, như hướng ngoại, có lương tâm hay nhạy cảm; nếu là bạn bè thì cần 70 lượt bấm “Thích” để hiểu rõ về tính tình hơn chính bạn hiểu; còn với 250 lượt bấm “Thích” thì hiểu người ấy hơn chính cả vợ/chồng!

Theo Kosinski, nghe có vẻ như số 250 là lớn, nhưng thật ra người ta bấm “Thích” nhiều lắm. Ông và 2 đồng nghiệp của mình là Wu Youyou và David Stillwell thuộc đại học Cambridge đã công bố công trình tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia hồi đầu năm.

Công trình nghiiên cứu này dựa trên một khảo sát trước đó từ 2013, khi nhóm khảo sát phát triển một mô hình tiên đoán về sở thích và hành vi của một số lớn người, chẳng hạn như việc dùng thuốc, dựa trên kết quả bấm “Thích” của 6 triệu người.

Tạp chí Wall Street Journal đặt ra cho nhóm nghiên cứu một số câu hỏi:

Công trình của các ông nói rằng mô hình máy tính cho kết quả chính xác hơn con người trong việc nhận định tính cách của người khác. Nghiêm túc đấy chứ? Làm sao biết được?

Từ kết quả nghiên cứu trước đây của chúng tôi (trên 6 triệu mẩu thu thập), chúng tôi có một mô hình máy tính có thể tiên đoán tính cách của một người chỉ thông qua việc bấm “Thích” của họ trên Facebook. Để minh họa tính chính xác của giải thuật này, chúng tôi hỏi 50.000 người thử đánh giá về đồng nghiệp, bạn bè, vợ chồng của mình. Rồi chúng tôi so sánh với kết quả do máy tính đánh giá (dựa trên những lần bấm “Thích”).

Mô hình máy tính của chúng tôi tỏ ra rất chính xác, so với con người. Dù vậy, chúng tôi biết rằng việc chỉ sử dụng dữ liệu về việc bấm “Thích” chưa phải là phương thức đoán tính cách tốt nhất. Bạn lướt web như thế nào, thường thăm những trang web nào có thể cho biết chính xác hơn về những tính cách của bạn (mà bạn không hề thể hiện bằng cách bấm “Thích” trên Facebook). Nếu áp dụng phương pháp của chúng tôi vào lịch sử truy cập web, về những gì bạn mua trên mạng, v.v.. thì độ chính xác sẽ còn cao hơn nữa.

Nếu nói rằng lịch sử truy cập Internet và lịch sử mua hàng qua mạng của một người là những thông tin chính xác hơn để đoán tính cách của họ, vậy sao các ông lại chọn nghiên cứu “Thích” của Facebook?

Trên quan điểm đạo đức, nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Facebook thì dễ hơn các kiểu thông tin khác. Bạn sẽ xâm phạm đời tư của người ta nhiều quá nếu bạn cài đặt một phần mềm vào máy tính để ghi nhận người ta vào trang web nào, mua gì qua mạng. Dữ liệu này cũng phức tạp hơn so với ghi nhận các lượt bấm “Thích”. Còn khi đề nghị người ta cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu những lần bấm “Thích” thì mọi người không cảm thấy rằng mình xâm phạm quyền riêng tư gì lắm (vì đàng nào “Thích” cái gì đó trên Facebook thì là công khai mà).

Tuy vậy, cần biết rằng các công ty và viện nghiên cứu của chính phủ thì không bị giới hạn trong việc xem dữ liệu nội bộ như các viện hàn lâm chúng tôi. Lịch sử truy cập web của bạn, quá khứ mua hàng của bạn, tất cả những thứ này đều được ghi nhận và phân tích. Người ta không biết rằng mọi website họ xem, kể cả khi họ xem ẩn danh (không đăng ký gì cả) đều được ghi nhận bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet, bởi trình duyệt, bởi chính phủ và bởi một số công ty marketing.

Mô hình máy tính dự đoán về tính cách con người tốt hơn chính con người, điều này sẽ dẫn đến cái gì?

Có nhiều lợi thế nếu đoán được xu hướng hành vi của một người. Thí dụ, Netflix và Pandora quan sát hành vi của người dùng để đưa ra gợi ý tốt hơn; hay khi muốn bán gì đó cho khách hàng, một công ty sẽ đưa ra thông điệp tiếp thị thuyết phục hơn. Hoặc giả hãy nghĩ đến những người nhân viên làm việc trong một công ty không được tự do lắm. Bộ phận an ninh của công ty, hoặc chính những đồng nghiệp cạnh tranh, có thể phát hiện ra ai bị đồng tính, ai vô thần chẳng hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của những nhân viên đó.

Vậy ông có quan ngại gì đến các dấu vết của chính ông để lại trên máy tính? Ông sẽ thay đổi hành vi online của mình chứ?

Hoàn toàn không. Không có lối thoát. Ngay cả khi tôi đóng tài khoản Facebook, mỗi tháng tôi xóa sạch dữ liệu trên laptop để chắc chắc rằng không có ai theo dấu tôi, thì tôi vẫn còn thẻ tín dụng, smartphone vẫn ghi nhận nhiều điều về tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấp nhận rằng mình đang sống trong một thế giới mà bản thân mình bị kẻ khác biết rõ hơn trước đây.

Phạm Hoài Nhân

Theo Georgia Wells trên Wall Street Journal
LĐĐN - 21/09/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét