Trong một phát biểu hôm thứ Ba tuần trước, Mark Zuckerberg của Facebook
đã tuyên bố Facebook đang có kế hoạch để đưa ra “một nút tương tự như là
Dislike” (Không thích) cho người sử dụng.
CEO Facebook: Mark
Zuckerberg
Like và Dislike
Nút “Thích” (“Like”)là một trong những tính năng của
Facebook được người sử dụng ưa chuộng và dùng nhiều nhất, vì nó đơn giản, nhanh
chóng và thể hiện được sự quan tâm của mình đối với một nội dung của người khác
(một hình ảnh, dòng trạng thái, nhận xét…). Từ đó dẫn đến một mong muốn là có
một nút ngược lại với nó là nút “Không thích” (“Dislike”) để thể hiện thái độ
không ưa đối với nội dung nào đó.
Mong muốn này không phải không có căn cứ, bởi vì trên thực
tế đã có những ứng dụng dùng cả 2 nút, “Thích” và “Không thích”, thí dụ như
YouTube. Đối với một video clip đưa lên YouTube, ta có thể bấm “Thích” (hình
ngón tay cái trỏ lên) nếu cho rằng nó hay, hoặc bấm “Không thích” (hình ngón
tay cái trỏ xuống) nếu cho rằng nó dở.
Facebook quyết không
có nút Dislike!
Mặc dù nút “Like” rất “ăn khách” và nhiều người mong muốn có
nút “Dislike” bổ sung cho nó nhưng suốt bao nhiêu năm nay Facebook quyết không
đưa nút “Dislike” vào sản phẩm của mình. Lý do khá nhân văn, là: Chơi với nhau
vui vẻ đi, không thích thì thôi, đừng la lên “không thích” làm gì!
Quan điểm này có lý. Thế nhưng lại xảy ra trường hợp rất tế
nhị. Đó là trường hợp một người đưa lên Facebook tin buồn, thí dụ như: người
thân chết, bị tai nạn, bị bệnh nặng… Để bày tỏ sự quan tâm đối với bạn mình,
thì người đọc tin phải làm gì? Viết vào mục nhận xét vài dòng chia buồn thì hợp
lý rồi, nhưng đa phần là người ta… lười, chỉ muốn click một cái cho nhanh thôi.
Và như thế chỉ có một nút để click vào, đó là nút “Like”. Thế là éo le thay,
người ta có tin buồn mà mình lại… thích!
Facebook thay đổi ý
kiến
Trong bài phát biểu hôm thứ Ba vừa rồi, ông chủ mạng xã hội
Facebook cho biết Facebook đang quan tâm đến vấn đề về nút “Like”, đó là yêu
cầu về nút” Dislike” để bổ sung cho nó.
Zuckerberg nói: Nhưng đó không phải chuyện đơn giản.
Facebook muốn giới hạn việc sử dụng nút này chỉ để bày tỏ sự thông cảm đối với
những nội dung post lên mang tính chất buồn thảm, đổ vỡ, thất bại…
Ông nói rằng thật đáng ngạc nhiên khi việc thiết kế nút này
lại khá phức tạp. Tuy vậy công ty đã có một sáng kiến cho việc này và sẽ thử
nghiệm trong thời gian tới.
Như vậy, sẽ có thêm một nút bên cạnh nút “Like”, nhưng nó có
phải tên là “Dislike” hay không và cách dùng như thế nào thì vẫn chưa được công
bố.
Ở Việt Nam, trên một số trang web, các nhà thiết kế web từ
lâu đã “sáng chế” ra một nút bên cạnh nút “Thích” để diễn tả trạng thái chia sẻ
cho những tin buồn, đó là nút mang tên “Quan tâm”. Không biết Facebook có tham
khảo “sáng kiến” này không?
Thái Thư
LĐĐN - 21/09/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét