Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Công nghệ thông tin và nghề báo

Gần 3 thập niên qua, từ ngày những chiếc máy vi tính đầu tiên xuất hiện ở Đồng Nai và không cho thấy có liên quan gì mấy đến nghề báo thì đến nay báo chí có lẽ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hường nhiều nhất bởi công nghệ thông tin.

Từ “tin học” đến “công nghệ thông tin & truyền thông”

Hơn 25 năm trước, khi những chiếc máy vi tính đầu tiên xuất hiện ở Đồng Nai và những nhà báo Đồng Nai đầu tiên tiếp cận với máy tính – khi ấy gọi là Tin học (Informatics) – thì không ai nghĩ rằng công nghệ này đóng vai trò quan trọng đối với báo chí. Hồi ấy, vai trò chủ yếu của máy tính là tính toán phục vụ cho công tác quản lý. Công dụng của máy tính đối với nhà báo chỉ là giúp viết tin bài thuận tiện hơn nhờ các hệ soạn thảo văn bản. Đối với bộ phận kỹ thuật của báo thì là sử dụng phần mềm chế bản điện tử như Ventura, PageMaker để dàn trang.

Khoảng 10 năm sau, vào cuối thập niên 1990, khi Internet chính thức có mặt ở Việt Nam thì thuật ngữ tin học đã được thay thế bằng thuật ngữ Công nghệ thông tin (Information Technology, thường được viết tắt là IT, CNTT). Đối với giới báo chí, IT mang đến những công dụng mới. Với Internet, việc tiếp cận thông tin bên ngoài nhanh hơn, nhiều hơn. Việc truyền thông nội bộ (gửi tin, bài đến tòa soạn) nhanh hơn, tiện lợi hơn nhờ email. Một số tờ báo trực tuyến của Việt Nam đã ra đời, nhưng chưa tạo nên sự thay đổi lớn.

Năm 2001, nhà báo Minh Chung của Đài Truyền hình Đồng Nai đã tạo một bước đột phá khi lần đầu tiên mang chiếc laptop như thế này đi tác nghiệp tại Seagames 21 ở Malaysia


Cuối thập niên 2000, thuật ngữ Công nghệ thông tin và Truyền thông (Information and Communication Technology, thường được viết tắt là ICT) dần được dùng thay cho IT. Cụm từ ICT giờ đây cũng được sử dụng để ám chỉ đến sự gắn kết của nghe – nhìn và mạng điện thoại với mạng máy tính qua một đường dây đơn hoặc hệ thống liên kết. Nó cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa việc xử lý thông tin và việc truyền thông tin đó đi (vốn là một chức năng chủ yếu của báo chí). Về phía quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông ra đời. Lĩnh vực IT trước đây thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ nay chuyển sang Bộ Thông tin & Truyền thông, song hành cùng lĩnh vực quản lý báo chí. Các phát triển ICT ảnh hưởng sâu sắc đến nghề báo, và về mặt quản lý Nhà nước thì công nghệ thông tin và nghề báo có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thay đổi diện mạo báo chí

Sự phát triển vũ bão của Internet đã làm phát sinh ra một loại hình báo chí mới: báo trực tuyến (còn gọi là báo điện tử, báo mạng, báo online). Là những website cung cấp thông tin qua mạng Internet, báo trực tuyến có những ưu thế vượt trội so với báo in truyền thống: Chi phí sản xuất rất thấp (chi phí in ấn, phát hành xem như bằng không), cập nhật thông tin nhanh chóng, mức độ lan tỏa nhanh và rộng khắp. Báo trực tuyến có những tính năng mà báo in truyền thống không thể có được, như: tính tương tác với người đọc (có phần nhận xét dưới mỗi bài báo, có thể tổ chức giao lưu trực tuyến…), tích hợp nhiều loại media khác nhau vào trong một bài báo tạo nên sự sinh động (audio, video clip, hình ảnh, và gần đây là infographic)… Hiện nay, với sự phổ biến của điện thoại thông minh, người đọc có thể dễ dàng xem báo trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.

Báo trực tuyến ngày càng lấn át báo in

Với sự phát triển của báo điện tử, vai trò của báo in ngày càng giảm đi, số lượng phát hành ngày càng ít, thậm chí một vài tờ báo in phải ngưng phát hành vì không còn độc giả. Hầu hết các báo tại Việt Nam hiện nay đều có trang báo trực tuyến của mình song hành với báo giấy để duy trì lượng độc giả. Một số báo chỉ có báo trực tuyến chứ không hề có báo in, như: Việt Nam Net, VnExpress, Dân trí, Một thế giới… Các báo cạnh tranh, so kè nhau không phải ở lượng phát hành nữa, mà là ở lượng người truy cập trang web và dùng mọi biện pháp về kỹ thuật lẫn nâng cao chất lượng nội dung để làm tăng con số này. Bảng sau đây cho thấy lượng người đọc mỗi tháng của một số báo trực tuyến tại Việt Nam trong tháng 8/2015 (chỉ xét trên máy tính, chưa xét trên các thiết bị di động), theo SimilarWeb:

Tên báo
Địa chỉ trang web
Lượng người đọc
VnExpress
Vnexpress.net
92.900.000
Dân trí
Dantri.com.vn
42.400.000
Việt Nam Net
Vietnamnet.vn
21.100.000
Thanh niên
Thanhnien.com.vn
16.700.000
Tuổi trẻ
Tuoitre.vn
15.700.000
Người lao động
Nld.com.vn
5.600.000
Lao động
Laodong.com.vn
4.200.000
Báo Đồng Nai
Baodongnai.com.vn
190.000
Truyền hình Đồng Nai
Dnrtv.org.vn
35.000

Đến lượt mình, báo trực tuyến chính thống lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi một đối thủ khác: mạng xã hội và blog. Mạng xã hội, điển hình là Facebook, là một kênh truyền thông cực lớn với hơn 1 tỷ người dùng trên thế giới, hơn 30 triệu người dùng ở Việt Nam nên có độ lan tỏa mạnh lớn, nguồn thông tin đa dạng, rộng khắp nên thu hút lượng người đọc rất cao. Blog là một dạng trang web cá nhân, có thể xem như một tờ báo không chính thức.

Facebook là con dao 2 lưỡi. Một mặt nó thu hút lượng độc giả của báo chính thống, những thông tin trên Facebook không hề được quản lý do đó có thể gây nhiễu, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Mặt khác, thông qua Facebook, báo chính thống có thể thu thập thêm nhiều thông tin, có thể triển khai thành các chủ đề nội dung của mình; có thể lập trang fanpage cho báo của mình để thu hút thành viên Facebook đọc báo chính thống. Hiện nay đa số các báo trực tuyến đều có thêm trang fanpage của mình trên Facebook để thực hiện tốt chức năng này. Blog cũng thế, các báo lớn trên thế giới đều có trang blog riêng (của báo hoặc của cá nhân các phóng viên, biên tập viên) để thông tin hỗ trợ thêm cho tờ báo của mình. Ở Việt Nam cũng có một số blog như thế, nhưng không nhiều.

Cũng cần nói thêm một ứng dụng CNTT nữa làm thay đổi diện mạo báo chí, đó là tòa soạn điện tử. Như các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng CNTT để quản lý, tòa soạn báo cũng hướng đến việc dùng phần mềm để quản lý tòa soạn. Thường ứng dụng này được tích hợp vào hệ thống website của báo để quản lý và lưu trữ tin bài, chấm nhuận bút, quản lý nhân sự…

Đối với báo chí Đồng Nai, qua số liệu về người đọc báo trực tuyến ở trên ta có thể thấy số lượng rất ít so với các báo lớn. Đành rằng đối tượng độc giả của báo chí Đồng Nai là rất nhỏ so với các báo nêu trên nên lượng người đọc báo trực tuyến cũng không thể cao, nhưng cũng phải thấy rằng sự quan tâm đến báo trực tuyến của Đồng Nai chưa đúng mức. Trong tình hình báo trực tuyến ngày càng lấn át báo giấy như hiện nay, thiết nghĩ cần có những giải pháp – cả về kỹ thuật lẫn nội dung – để thu hút độc giả trực tuyến nhiều hơn.

Thay đổi diện mạo người làm báo

Diện mạo báo chí đã thay đổi thì diện mạo người làm báo ắt cũng phải thay đổi theo cho phù hợp với tình hình. Vì công nghệ thông tin và truyền thông có quan hệ chặt chẽ với nhau nên người làm báo cần có những hiểu biết nhất định về CNTT để phục vụ tốt cho công việc của mình, tuy không đòi hỏi phải chuyên sâu như chuyên gia CNTT.

  1. Kỹ năng tra cứu thông tin trên mạng: Viết báo cần tra cứu thông tin để bài viết thêm phong phú và chính xác. So với trước đây phải lục tìm trong sách vở, thư viện thì bây giờ việc tìm kiếm thông tin thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều nhờ những công cụ tìm kiếm trên mạng. Tuy vậy, cùng một công cụ tìm kiếm – là Google chẳng hạn – có người tìm ra được dữ liệu cần thiết ngay, có người tìm không ra, hoặc quá nhiều thông tin nhiễu mà không phân biệt được đâu là thông tin cần thiết để sử dụng. Điều này là do xác định từ khóa tìm kiếm không hợp lý và/hoặc chưa biết cách dùng các toán tử trong tìm kiếm. Vì vậy rèn luyện kỹ năng tra cứu thông tin là điều cần thiết. Mặt khác cũng cần có phương pháp đánh dấu, lưu trữ thông tin trên mạng sao cho khi cần có thể tìm ra nhanh nhất.
  2. Kỹ năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số: Ngoài việc sử dụng thuần thục máy tính cho các công việc cơ bản của mình, như nhập văn bản, gửi mail, người làm báo còn cần biết khai thác thêm các tính năng hữu dụng của thiết bị số nữa, đặc biệt là thiết bị cầm tay như máy tính bảng, smartphone. Đây là những thiết bị cơ động, luôn mang theo bên mình, nên có thể phục vụ tốt và kịp thời cho những thông tin cấp bách, đột xuất. Hầu hết smartphone hiện nay đều tích hợp đầy đủ các chức năng phục vụ nghề báo như: soạn tin, chụp ảnh, ghi âm, quay phim, và dĩ nhiên là chức năng gửi mail về ngay cho tòa soạn. Một tính năng đặc biệt hữu ích nữa là lưu trữ dữ liệu trên đám mây (cloud computing), giúp có thể truy cập dữ liệu ấy bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không bị mất dữ liệu nếu chẳng may có sự cố xảy ra với thiết bị (hư, mất).
  3. Tiếp cận tốt với mạng xã hội: Dù rằng mạng xã hội có một số điều không hay nhưng mặt tích cực của nó đối với truyền thông là rất lớn. Người làm báo cần tham gia mạng xã hội để nắm bắt thêm nhiều thông tin, hiểu được phản ứng của dư luận (mà hiện giờ người ta vẫn gọi là “cộng đồng mạng”), từ đó có những định hướng thông tin thích hợp.
Ngoài ra, khi đã quan tâm đến báo trực tuyến thì cần chú ý rằng dù cũng là báo nhưng loại hình này có những đặc điểm khác với báo in, do đó người làm báo cần phải hiểu biết để thay đổi cách làm truyền thống cho phù hợp, từ việc trình bày nội dung, đặt tít, dẫn dắt vấn đề (là những điều mà báo in vẫn có) đến việc tích hợp các media khác nhau vào bài báo như video clip, audio (là những điều mà báo in không có).


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 18/09/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét