Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Việt Nam, thung lũng Silicon của Đông Nam Á (2)

Tạp chí về công nghệ thông tin nổi tiếng của Mỹ PC Magazine ngày 3/9/2015 vừa đăng bài viết tựa đề “Vietnam's Tech Boom: A Look Inside Southeast Asia's Silicon Valley” (Bùng nổ công nghệ tại Việt Nam: Một cái nhìn vào Thung lũng Silicon của Đông Nam Á). Giới công nghệ Mỹ có cái nhìn như thế nào để gọi Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á? Lao động Đồng Nai xin dịch bài viết trên để cung cấp thông tin cho các bạn.

Đà Nẵng – thủ phủ miền Trung

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, được biết đến như là một điểm du lịch với những khu nghỉ mát ven biển và chiếc Cầu Rồng phun lửa hơn là một khu vực công nghệ. Thế nhưng sau khi có những đầu tư mạnh mẽ của chính phủ với 60 triệu USD cho sân bay và 93 triệu USD cho hệ thống đường cao tốc thì thành phố này đã rất phù hợp cho việc phát triển kinh tế ở quy mô lớn, hơn là thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vốn cổ xưa và đông dân hơn.


IBM nhất trí với điều này. Năm 2012, công ty đã chọn Đà Nẵng là một trong số 33 thành phố trên toàn thế giới nhận tài trợ từ cuộc thi “Thành phố Thông minh hơn” (Smarter Cities Challenge), với một khoản kinh phí là 50 triệu USD và một chương trình 3 năm để cải tạo lại hạ tầng cơ sở của thành phố, nhằm phát triển kinh tế, sự bền vững, phát triển giao thông và quy hoạch đô thị. Công cuộc tạo dựng Đà Nẵng của IBM được triển khai từ năm 2013, tập trung vào việc tối ưu hóa nguồn nước và phương tiện vận tải công cộng thông qua thời gian thực, xử lý Dữ liệu Lớn (Big Data) và phân tích để dự đoán. Ông Tan Jee Toon, tổng giám đốc IBM Việt Nam nói: “Đà Nẵng nổi lên như một thành phố phát triển nhanh và được quy hoạch tốt, tôi cho rằng điều đó đã đặt thành phố này vào vị thế hoàn hảo để trải nghiệm những tiền đề phát triển kinh tế mới.”

IBM đã có văn phòng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ năm 1994 và mở văn phòng ở Đà Nẵng từ 2012. Mạch chính trong hoạt động của IBM ở Việt Nam là trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, mà theo ông Toon thì có đến 60% là khách hàng của mình. IBM cũng hướng một bộ phận chính quyền và tư nhân đến việc sử dụng điện toán đám mây tại Việt Nam. Ông Toon nói rằng Đà Nẵng là nơi phù hợp nhất cho việc phát triển công nghệ thông tin (CNTT) quốc tế, trong khi không khí hoạt động của Hà Nội tập trung chủ yếu vào chính quyền và doanh nghiệp nhà nước có phần quan cách hơn. Còn TP Hồ Chí Minh thì ông cho rằng mang tính thương mại nhiều hơn, và bị thống trị bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs).

Mặc dù lựa chọn tối ưu của IBM là Đà Nẵng, chương trình Thành phố Thông minh hơn cũng phải đối mặt với những khó khăn do thủ tục hành chính. Thí dụ, Trung tâm Hoạt động Thông Minh và Giải pháp Nguồn nước Thông minh của IBM được triển khai từ 2013, nhưng cho đến giờ vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Theo Toon, trở ngại lớn nhất là ngân sách. Chính quyền thành phố đang tìm kiếm thêm những khoản vay và khoản đầu tư hợp tác công – tư (PPP: public-private partnership) để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố phát triển kinh tế bền vững, môi trường đầu tư tốt.

Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Ngoài việc khởi dựng về cơ sở hạ tầng, IBM còn đánh cược vào tương lai Đà Nẵng và Việt Nam bằng cách hướng đến công tác đào tạo. Cùng với LogiGear cùng hàng tá công ty khác hoạt động tại Đà Nẵng, Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh, IBM đã tạo ra cơ hội huấn luyên về nghề nghiệp và các chương trình thực tập nội bộ với các trường đại học quốc tế mà IBM là đối tác.

Hệ thống trường đại học Việt Nam song hành cùng các thành phố. Ba trường đại học lớn nhất (có đào tạo CNTT) của Việt Nam là Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TPHCM. Ở mỗi miền, những kỹ sư tốt nghiệp được tuyển dụng thẳng vào lực lượng lao động tại nơi đó. Tiến sĩ Nguyễn Bình, trưởng khoa CNTT tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói: “Chúng tôi cung cấp hầu hết kỹ sư CNTT cho miền Trung. Năm ngoái trường có 250 sinh viên tốt nghiệp và hiện nay chúng tôi đang có 30 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đa số sinh viên chọn ngành công nghệ phần mềm. Tất cả sinh viên đều thực tập tại các công ty từ 2 đến 5 tháng, và năm ngoái 50% số thực tập sinh đã được các đơn vị nơi thực tập tuyển dụng”.

Ông Nguyễn Bình giải thích rằng toàn bộ chương trình và thời gian học hướng đến việc phát triển kỹ năng làm việc của sinh viên, thông qua các khóa học về lập trình, những bài giảng về công nghệ mới, về truyền thông và những lớp ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật. Mỗi năm trường mời khoảng 10 công ty đến trong vòng một tuần để diễn thuyết, phỏng vấn và tuyển dụng.

Các trường đại học ở Việt Nam rất cạnh tranh. Đại học Bách khoa Đà Nẵng chỉ tuyển 250 sinh viên một năm, trên tổng số hơn 2.000 thí sinh đăng ký, thông qua kỳ thi đại học tiêu chuẩn của quốc gia. Tiến sĩ Bình cho biết đa số sinh viên của trường đều xuất thân từ những gia đình miền Trung nghèo khổ, cần cù lao động. Ông nói: “Nhân lực CNTT đang là một đòi hỏi lớn. Một số sinh viên của chúng tôi làm việc cho các công ty lớn. Số khác mở công ty riêng với khoảng 10 – 20 nhân viên. Chúng tôi mong muốn rằng các bạn ấy sẽ phát huy đúng kỹ năng. Một vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay là ai cũng muốn vào đại học.”

Thế nhưng đáng ngạc nhiên thay, một khi những kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp bước vào đời, việc tạo lập công ty cho riêng họ lại vô cùng dễ dàng. Theo như điều mà ông Nguyễn Quốc Hùng của công ty LogiGear mô tả là “sự thoáng trong kinh doanh” đối với chính quyền Việt Nam, doanh nghiệp mới ở Việt Nam có thể được miễn thuế trong 8 năm. Việt Nam còn là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty. Năm ngoái, ông Bình (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã mời các doanh nghiệp Phần Lan sang để diễn thuyết cho sinh viên của mình về việc khởi sự doanh nghiệp.

Chính ông Nguyễn Bình cũng là một người thành danh từ nước ngoài và là một trong những thành viên đầu tiên của khoa CNTT Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi trở về nước năm 1997. Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Pháp, ông về nước giảng dạy, và sau đó trở thành trưởng khoa. Ông nói: “Tôi trở về vì gia đình tôi sống ở đây. Tôi nhận ra rằng Đà Nẵng là thành phố đẹp. Đà Nẵng là một thành phố mới. Là thủ phủ của miền Trung. Nơi đây không đông dân và khói bụi như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đây có những bãi biển đẹp. Và quan trọng hơn hết, mọi người có thể tìm được việc làm”

Kỳ sau: Thành phố Hồ Chí Minh – trục công nghệ phía Nam.

Rob Mavin (PC Magazine)

PHN dịch
LĐĐN - 09/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét