Tạp chí về công nghệ thông tin nổi tiếng của Mỹ PC Magazine ngày
3/9/2015 vừa đăng bài viết tựa đề “Vietnam's Tech Boom: A Look Inside Southeast
Asia's Silicon Valley” (Bùng nổ công nghệ tại Việt Nam: Một cái nhìn vào Thung
lũng Silicon của Đông Nam Á). Giới công nghệ Mỹ có cái nhìn như thế nào để gọi
Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á? Lao động Đồng Nai xin dịch bài
viết trên để cung cấp thông tin cho các bạn.
Thành phố Hồ Chí Minh
– trục công nghệ phía Nam
Trong khi khu vực công nghệ nhanh chóng phát triển tại Đà
Nẵng thì cách đó 850 km về phương Nam, bầu không khí năng động diễn ra tại TP
Hồ Chí Minh. Nền văn hóa và cộng đồng về CNTT ở đây được định hình từ năm 2010
với việc tổ chức các cuộc thi hackathons và trại khởi nghiệp, với sự góp sức
của tiến sĩ Dương Nguyên Vũ, giám đốc đầu tiên của Viện John Von Neumann (JVN),
trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM[1].
Đại học Quốc gia TPHCM
Tiến sĩ Vũ tự mô tả sứ mệnh của mình là tạo nên thế hệ mới
những nhà doanh nghiệp và công nghệ của Việt Nam. Ông Vũ có bằng thạc sĩ về kỹ
thuật và bằng tiến sĩ về Trí tuệ Nhân tạo do trường École Nationale des Ponts
et Chaussees của Pháp cấp, hiện đang phụ trách chương trình kinh doanh của viện
này. Trong một tòa nhà mà nơi đó các bức tường được dùng làm bảng đen để ghi
lại bất kỳ ý tưởng, công thức nào mà các thành viên bất chợt nghĩ ra trong các
buổi động não tự do, hàng năm tiến sĩ Vũ dạy một nhóm nhỏ các sinh viên đã tốt
nghiệp về cách làm thế nào để phát minh, để tạo ra công nghệ mới và xây dựng
những doanh nghiệp thành công, ứng dụng những công nghệ đó.
Ông Vũ hình dung ra rằng thế hệ trẻ tài năng và đầy nhiệt
huyết này là một minh chứng cho tiềm năng khởi nghiệp của Việt Nam so với phần
lớn mảng kinh doanh vẫn còn ít nhiều trì trệ. Ông nói: “Cộng đồng công nghệ
Việt Nam đang phát triển một văn hóa khởi nghiệp và đó là sự thật. Hiện nay, số
các cuộc thi hackathon và trại khởi nghiệp xuất hiện khá thường xuyên ở các
thành phố lớn Việt Nam. Tuy nhiên, những suy nghĩ kiểu Thung lũng Silicon vẫn
chưa có. Bởi vì mọi người không muốn gặp quá nhiều rủi ro. Chỉ những ai đã được
giới thiệu về sự đổi mới và tinh thần doanh nghiệp mới dám mạo hiểm để dẫn dắt
các khởi nghiệp (start-ups)”
Nhiều đồng nghiệp của tiến sĩ Vũ là giảng viên thỉnh giảng
tại JVN, bao gồm một “trại khởi sự doanh nghiệp” với sự tham gia giảng dạy của giáo
sư Tom Kosnick (đại học Stanford), tiến sĩ Vũ Duy Thức, cựu chuyên gia của
Google…[2]
Theo ông Vũ, mỗi năm viện JVN đưa ra 2 đến 3 start-up. Thí
dụ: Công ty BlueUp VN thành lập năm 2011 sản xuất thẻ flashcard học ngoại ngữ
và nhận được vốn từ một nhà đầu tư lớn về công nghệ. Inbound Marketing Partners
được thành lập năm 2013 bởi 2 học viên của viện JVN chuyên cung cấp các dịch vụ
marketing online và dịch vụ nội dung số tự động. Sentify do một trợ lý của ông
Vũ làm đồng sáng lập chuyên phân tích dữ liệu cho ngành tài chính. Những công
ty khác phát triển ở các lĩnh vực dịch vụ web, game, và các ứng dụng về thương
mại điện tử, mạng xã hội, v.v…
Hiện tại, văn hóa khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tập trung
vào thị trường địa phương và các ứng dụng được tạo ra nhằm giúp người sử dụng
có được chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các nhà phát triển ứng dụng trẻ và các
doanh nghiệp đang rất năng động với ước mong giúp đất nước mình hiện thực hóa
tiềm năng về công nghệ, kinh tế và văn hóa – đó cũng chính là lý do khiến các
ông Dương Nguyên Vũ (JVN), Nguyễn Bình (ĐHBK Đà Nẵng), Nguyễn Quốc Hùng
(LogiGear) quay về quê hương.
Bà Jeff Diana, giám đốc nhân sự tại công ty phần mềm
Atlassian nói: “Việt Nam nhanh chóng trở thành một trục công nghệ và đầu tư cho
các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, TP Hồ Chí Minh là trái tim của sự
chuyển biến này. Kỹ nghệ ở đây vẫn còn non trẻ, nhưng chúng tôi bắt đầu thấy
thị trường trưởng thành dần từ phần mềm đóng gói cho đến việc gia công phần mềm
(outsourcing). Điều này dẫn đến sự gia tăng các start-up hướng vào thương mại
điện tử và phát triển sản phẩm”.
Atlassian mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển của
mình cho phần mềm truyền thông và phần mềm cộng tác tại Việt Nam từ năm 2013.
Theo bà Diana, động lực tạo nên điều này chính là sự thay đổi cấu trúc đào tạo
của quốc gia đã tạo nên đội ngũ lập trình tài năng và giàu năng lực. Trung tâm
phát triển của Atlassian ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu với đội ngũ tập trung xây
dựng các tính năng cho Confluence, một ứng dụng chia sẻ tài liệu, thông tin.
Nhưng trong 2 năm qua, công ty đã tạo thêm những đội ngũ mới để xây dựng các
ứng dụng như Jira Service Desk.
Công ty đã đầu tư vào một chiến dịch tuyển dụng mang tên “Gradlassian
HackHouse” hướng đến các trường đại học địa phương, cộng với một trại khởi động
2 tuần và huấn luyện về phát triển cho mọi thành viên được tuyển dụng mới.
Trang tuyển dụng của Atlassian mở ra cơ hội cho các nhà lập trình phát triển Android/iOS
development, UI/UX design, .NET, Java,…
Sự bùng nổ của khu vực công nghệ Việt Nam cũng như sự phát
triển kinh tế 5 năm qua sẽ được thể hiện rõ nét nhất vào tháng Mười năm nay tại
VNITO (Tổ chức Gia công Công nghệ Thông tin Việt Nam), trong buổi khai mạc Hội
thảo CNTT toàn quốc. Được tổ chức bởi Công viên Phần mềm Quang Trung và Hội Tin
học TP Hồ Chí Minh, VNITO là cơ hội để nền kỹ nghệ - công nghệ Việt Nam chứng
tỏ mình với thế giới.
Từ ngày 14 đến 17 tháng Mười, hơn 159 công ty công nghệ từ
khắp nơi trên thế giới, hơn 200 công ty CNTT và gia công Việt Nam, cùng với 20
trường đại học sẽ tham dự sự kiện này tại khách sạn The Reverie Saigon ở TP Hồ
Chí Minh. Sẽ có những bài phát biểu quan trọng từ diễn giả của Gartner, KPMG,
HP, LogiGear, Microsoft, Samsung, và vài Bộ trường trong chính phủ Việt Nam.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung và cũng là nhà
tổ chức chính của VNITO, nói: "Tôi tin rằng thông qua VNITO, bạn bè và đối
tác quốc tế sẽ được tận mắt chứng kiến để nhận thấy rằng Việt Nam là một điểm
đến nổi bật, hấp dẫn cho các công ty CNTT trên thế giới”.
Số liệu của VNITO dự kiến rằng hệ thống giáo dục sẽ cung cấp
40.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm cho nguồn nhân lực CNTT và làm nẩy nở hệ
sinh thái doanh nghiệp. Ông Long dự đoán rằng năm 2015 “sẽ là năm mà làn sóng
start-up ở Việt Nam bắt đầu trỗi dậy.”
Rob Mavin (PC Magazine)
PHN dịch
LĐĐN - 09/2015
[1] Hackathon là từ ghép của “hack” và “marathon”. Đây là
cuộc thi lập trình mà các đội thi phải hoàn thành một sản phẩm phần mềm trong
thời gian ngắn. Cuộc thi do Chương trình tiên tiến (APCS) phối hợp với khoa
Công nghệ thông tin trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Viện John Von Neumann
Institute. Viện JVN trước đây có tên gọi là Trung tâm Xuất sắc JVN, thuộc Đại học
Quốc gia TPHCM, có mục đích tạo môi trường cho nhân tài được học tập nghiên
cứu, làm việc. (Chú thích của PHN)
[2] Giáo sư Tom Kosnik sinh năm 1950.Ông là giáo sư phụ
trách giảng dạy chương trình Đầu tư Công nghệ của trường Kỹ thuật trực thuộc
Đại học Stanford. Tom Kosnik cũng là cố vấn quốc tế cho Trung tâm Khởi nghiệp
của trường Đại học quốc gia Singapore từ năm 2007 đồng thời là người sáng lập
hoặc cố vấn cho nhiều dự án của các công ty nổi tiếng như American Management
Systems, Apple Computers, China Mobile Communications Corporation, Clean Tech
Open, Ernst & Young, IBM, Microsoft, Hewlett Packard, Plug and Play Tech
Centers, Novellus… Vũ Duy Thức là tiến sĩ đại học Stanford. Anh là một trong
những sinh viên Việt trẻ nhất được trao bằng tiến sĩ ở trường này (năm 2010, 28
tuổi). Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, anh vẫn khởi nghiệp thành công với
công ty công nghệ Kantago, được Google mua lại năm 2011. (Chú thích của PHN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét