Tháng trước, Mobifone vừa cho ra đời một dịch vụ mới: Dịch vụ Safe Text
Mobifone - tự xóa tin nhắn sau khi đọc. Dịch vụ này không lạ, nó tương tự như
Snapchat ra đời ở Mỹ từ tháng 9/2011. Vấn đề là: Tại sao lại xóa tin nhắn sau
khi đọc? Đó có phải là một nhu cầu mới phát sinh?
Safe Text là gì?
Xin được nhắc một chút về dịch vụ Snapchat. Đây là một ứng
dụng tin nhắn ra đời vào tháng 9/2011. Sử dụng ứng dụng này, người dùng có thể
chụp ảnh, quay video, thêm văn bản và hình vẽ vào, và gửi chúng cho người nhận
như nhiều ứng dụng nhắn tin khác. Những hình ảnh và video gửi được gọi là snaps.
Điều khác thường của ứng dụng này là 1 – 10 giây (do người sử dụng thiết lập) sau
khi người nhận xem snaps thì nó sẽ hoàn toàn biến mất trên thiết bị của họ và
cả trên máy chủ Snapchat.
Snapchat có logo hình…
con ma!
Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ và nổi tiếng
đến mức Facebook đã đề nghị mua lại ứng dụng này với giá 3 tỷ USD, nhưng chủ nhân của nó là Evan Spiegel không bán. Hiện nay
ứng dụng này được định giá lên tới 16 tỷ USD.
Còn Safe Text, theo giới thiệu của chính Mobifone thì như
sau:
“Safe Text System cho phép người dùng gửi tin nhắn cho nhau
dưới dạng USSD, hoàn toàn không lưu lại dấu vết trên cả thiết bị người gửi và
người nhận. Nội dung tin nhắn sẽ được xóa bỏ khi người nhận đọc xong tin nhắn.
Một trong những điểm mạnh của Safe Text là có thể hỗ trợ tất
cả các loại điện thoại di động, không yêu cầu người sử dụng phải có điện thoại
thông minh.”
Dịch vụ Safe Text được Mobifone bắt đầu cung cấp từ
20/8/2015. Dịch vụ này có thể thực hiện được trên nền web (thực hiện trên máy
tính).
Dịch vụ Safe Text của
Mobifone tự xóa tin nhắn sau khi nhận
Vì sao cần nhớ?
Một trong những tính năng thiết yếu và quan trọng nhất của
thiết bị kỹ thuật số là… nhớ! Rõ ràng khi mua một thiết bị kỹ thuật số (máy
tính, smartphone…) thì một thông số được quan tâm là dung lượng bộ nhớ. Những
gì đi qua thiết bị này đều được mong muốn lưu lại. Tin nhắn cũng thế, và thực
sự là tất cả tin nhắn đều được lưu lại cho đến khi… đầy bộ nhớ mới thôi, hoặc
khi chính chủ nhân xóa tin nhắn đó.
Việc lưu lại tin nhắn là cần thiết, thường là vì 2 lý do
chính:
-
Lưu lại để tham khảo về sau.
-
Lưu lại để làm kỷ niệm.
Vậy thì tại sao cần xóa tin nhắn sau khi đọc?
Vì sao cần quên?
Hãy xem lại tại sao Snapchat thu hút nhiều người dùng tại
Mỹ: Bởi vì họ có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời
chia sẻ mà chẳng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook hay các ứng
dụng khác. Với Snapchat, đơn giản là: nói xong rồi thì… quên nó đi!
Với đà phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện
nay, con người ngày càng bộc lộ bản thân nhiều hơn khi sử dụng các thiết bị số
(như trong LĐĐN số trước có nêu, chỉ bằng cách quan sát những lần bấm “Thích”
trên Facebook, máy tính có thể biết được bản chất của một con người). Nội dung
tin nhắn là một trong những thứ mà thông qua đó có thể hiểu về hoạt động, suy
nghĩ, tâm tư tình cảm riêng tư của một người. Trong xu thế đó, con người muốn
tự bảo vệ mình, bằng cách để lộ càng ít thông tin càng tốt, và như vậy xóa ngay
thông tin khi vừa tiếp thu là một giải pháp hợp lý.
Mobifone quảng bá cho dịch vụ Safe Text của mình như sau:
“Trong thời điểm hiện tại, mọi công việc, giao tiếp thông
tin liên lạc đều được thực hiện qua thiết bị di động bạn mang theo bên mình.
Những cơ hội làm ăn, bí mật kinh doanh, thông tin đối tác đều được lưu trữ
trong tin nhắn của điện thoại. Tuy nhiên, một mật mã mở máy đơn giản không thể
nào ngăn chặn được việc thông tin bị đánh cắp, những thông tin bí mật hoàn toàn
bị động trước nguy cơ bị phát tán. Hay trong tình huống đơn giản hơn, bạn không
muốn người khác mượn điện thoại của mình lại vô tình có thể đọc được tin nhắn
tình cảm của bản thân.Xuất phát từ nhu cầu đó, hệ thống Safe Text System ra đời
với tính năng mới mẻ và đa dạng. Khách hàng sử dụng sẽ hoàn toàn yên tâm trước
mối lo ngại bị lộ bí mật từ những tin nhắn SMS”
Thật ra, ngoài lý do bảo mật nghe có vẻ trịnh trọng như nêu
trên, việc sử dụng dịch vụ tin nhắn tự xóa còn có tác dụng tâm lý, tạo cảm
giác nhẹ nhõm cho người sử dụng. Hiện giờ, khi đưa một thông tin lên
Facebook chẳng hạn, dù ít dù nhiều người ta cũng có vướng bận tới nó. Có bao
nhiêu người bấm “Thích”, có bao nhiêu người nhận xét? Mỗi việc đưa lên mạng đều
khiến người ta băn khoăn nghĩ ngợi xem nó sẽ được hồi đáp thế nào, tác dụng ra
sao, v.v… Còn khi dùng tin nhắn tự xóa, thì đúng là như… gió thổi, mây trôi.
Xong là quên, không vấn vương bận lòng gì hết!
Liệu tin nhắn tự xóa
có là xu thế?
Cho đến giờ, sau hơn một tháng ra mắt, Safe Text chưa tạo
nên sức hút lớn nào như Snapchat với người dùng Mỹ. Có lẽ người dùng Việt chưa
quan tâm lắm với vấn đề bảo mật, cũng chưa bị áp lực tâm lý là thông tin của
mình đang bị bộc lộ nhiều quá.
Đối với Snapchat, cho dù ứng dụng này đang thành công lớn đi
nữa, thì việc lưu tin nhắn vẫn là tính năng truyền thống của các thiết bị số.
Đa số người dùng vẫn dùng các ứng dụng nhắn tin và lưu thông tin trên máy như
một nhu cầu và thói quen cần thiết.
Việc ra đời dịch vụ tin nhắn tự xóa Snapchat hoặc Safe Text
cho thấy: Khi công nghệ phát triển, có khi nó lại hướng đến sự phát triển những
tính năng ngược với tính năng thông thường của nó (thay vì lưu thật tốt thì là
xóa thật nhanh). Việc phát hiện ra những điều ấy giúp nhà sản xuất tạo ra dịch
vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 26/09/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét