Nói đến fanpage Facebook thường người ta nghĩ ngay đến trang của các
diễn viên, ca sĩ, vận động viên với lượng người hâm mộ (Thích) cực lớn. Nhưng
gần đây, bên cạnh các fanpage ấy lại có một dạng trang khác với đối tượng là
các chính khách. Công ty chuyên về PR Burson-Marsteller vừa có một khảo sát
mang tên “Các nhà lãnh đạo thế giới trên Facebook”. Xem xét kết quả khảo sát
này mang đến cho chúng ta một số điều thú vị.
Khảo sát của Burson-Marsteller cho biết số chính phủ và nhà
lãnh đạo có trang Facebook chiếm đến 87% trong tổng số 193 quốc gia của Liên
hiệp quốc. Công ty này đã phân tích 512 trang (có nhiều chính phủ, nhà lãnh đạo
có hơn một trang fanpage) đại diện cho 169 nước.
Họ đưa lên Facebook
điều gì?
Trang Facebook của
Barack Obama, tại thời điểm này trang đã có gần 49 triệu lượt thích
Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama có 2 trang Facebook, một
trang do chính ông lập ra từ năm 2007 (lúc vận động tranh cử) và một trang do
Nhà trắng lập cho ông ngày 9-11-2015 (trang này gọi là POTUS: President Of The
United States). Dòng trạng thái đầu tiên của Obama trên trang POTUS như sau:
“Tôi mong các bạn sẽ nghĩ rằng đây là nơi chúng ta có những cuộc đối thoại thực
sự về những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước ta đang phải đối mặt – là nơi
bạn có thể nghe trực tiếp từ tôi, và chia sẻ những nghĩ suy, những câu chuyện
của chính các bạn”.
Việc sử dụng Facebook của các chính phủ khác nhau. Trong khi
một số trang chỉ đơn thuần là kênh thông tin truyền tải các hoạt động hàng ngày
của nhà lãnh đạo, một số trang khác khuyến khích công dân bày tỏ ý kiến và kể
cả cho phép người vào thăm trang Facebook đưa lên trang này những bình luận,
suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình.
Như nhiều người dùng Facebook khác, các nhà lãnh đạo thế
giới cũng đưa những thông tin về cuộc sống đời thường của mình lên đây. Kỷ niệm
sinh nhật, chia sẻ hình ảnh con cái, tưởng nhớ cha mẹ đã qua đời… Những thông
tin cá nhân này là phổ biến nhất.
Những post (nội dung đưa lên Facebook) phổ biến nhất được
ghi nhận là: Bức ảnh gia đình Obama chúc mừng người hâm mộ của ông nhân dịp lễ
Phục sinh, đạt đến 2,9 triệu lượt thích, bình luận và chia sẻ. Phổ biến thứ nhì
là ảnh thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp tổng thống Obama tới Ấn Độ. Phổ
biến thứ ba là ảnh Barack Obama đang ôm Michelle Obama nhân dịp kỷ niệm ngày
cưới của họ. Các bức ảnh gia đình của hoàng gia Anh đưa lên Facebook cũng được
nhiều người thích.
Ảnh gia đình Obama
chúc mừng mọi người nhân dịp lễ Phục sinh. Đây là nội dung trên Facebook của
một chính khách được quan tâm nhiều nhất với 2,8 triệu lượt Thích, gần 150.000
lượt chia sẻ và 95.000 bình luận
Việc đưa những thông tin này lên giúp cho người dân thấy gần
gũi với lãnh đạo của họ hơn, nhờ đó tăng thêm thiện cảm của họ với lãnh đạo của
mình.
Ai được hâm mộ nhất?
Xét theo lượng người hâm mộ (người bấm Thích trang) thì tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama là người chiếm vị trí áp đảo, với hơn 46 triệu người.
Danh sách 5 trang dẫn đầu như sau:
- Barack Obama (tổng thống
Hoa Kỳ): 46.414.177 lượt Thích.
- Narendra Modi (thủ tướng
Ấn Độ): 31.745.203 lượt Thích
- Prime Minister India (thủ
tướng Ấn Độ): 10.109.886 lượt Thích
- Recep Tayyip Erdoğan (tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ): 7.991.898 lượt Thích
- Joko Widodo (tổng thống
Indonesia): 6.014.302
Thủ tướng Ấn Độ có đến 2 trang trong danh sách này, một
trang của chính ông, và một trang do chính phủ lập.
Có thể nêu lên 3 lý do chính giúp những trang này đạt số
lượng người hâm mộ cao: thứ nhất là do… dân số nước đó đông, thứ hai là thiện
cảm của người dùng Facebook đối với nhân vật, và thứ ba là khả năng làm truyền
thông tốt của người quản lý trang Facebook đó.
Nếu chỉ tính riêng khu vực châu Á thì ngoài các trang của
thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Indonesia nêu trên, xếp kế tiếp là: tổng thống Philippine
Noynoy Aquino, thủ tướng Malaysia Najib Razak, nhà lãnh đạo mới của Myanmar
Aung San Suu Kyi, với mỗi trang có trên 1 triệu người hâm mộ.
Ai tạo ảnh hưởng
nhiều nhất?
Nếu xét về số người hâm mộ thì trang của Barack Obama chiếm
vị trí hàng đầu, tuy nhiên nếu xét về ảnh hưởng thì không phải như vậy. Ảnh
hưởng ở đây được xét trên tiêu chí: mỗi nội dung được post lên trang thì nhận
được bao nhiêu phản hồi (bao gồm số lượt Thích, Bình luận, Chia sẻ). Xét theo
tiêu chí này thì trang Facebook của thủ tướng Ấn Độ dẫn đầu, với trung bình
186.045 lượt phản hồi cho mỗi post trong năm 2015.
Danh sách 5 trang dẫn đầu như sau:
- Narendra Modi (thủ tướng
Ấn Độ): trung bình 186.045 lượt phản hồi
- Recep Tayyip Erdoğan (tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ): trung bình 127.432 lượt phản hồi
- Prime Minister India (thủ
tướng Ấn Độ): trung bình 85.862 lượt phản hồi
- Barack Obama (tổng thống
Hoa Kỳ): trung bình 82.846 lượt phản hồi.
- POTUS (trang chính thức
của tổng thống Hoa Kỳ): trung bình 77.987 lượt phản hồi.
Họ thiết lập trang
Facebook khi nào?
Barack Obama được xem là chính khách đầu tiên trên thế giới
thiết lập trang Facebook của mình , nội dung đầu tiên ông đăng trên Facebook là
vào ngày 26-9-2007, lúc ấy ông còn là nghị sĩ bang Illinois. Trang Facebook này
đã góp phần không nhỏ vào chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ của ông vào thời
điểm đó. Kế đến là trang của thủ tướng Anh Gordon Brown, bắt đầu vào
24-11-2007. Sau đó một chút là trang
Facebook của thượng nghị sĩ John Kerry vào 17-12-2007.
Ai quản lý trang
Facebook cho họ?
Rất ít nhà lãnh đạo đích thân quản lý trang Facebook của mình.
Theo tờ Thời báo Ấn Độ thì thủ tướng của họ là một người như vậy, ông thường
xuyên coi sóc trang của mình. Trang Facebook của chính phủ Đức (mới được thiết
lập hồi tháng 2-2015) có một đội công tác có mục tiêu xem xét và xử lý tất cả
mọi bình luận vào trang này. Chính phủ Croatia cho biết họ có 7 đội xử lý làm
việc từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối hàng ngày, và trong năm 2015 họ đã có hơn
8.300 câu trả lời cho các bình luận trên trang Facebook chính phủ. Barack Obama
có một ban tham mưu hơn 20 người để quản lý trang Facebook của mình.
Nhu cầu cần có trang
Facebook của các chính khách
Trên BBC, nhà bình luận Denise Hruby viết: Các nhà lãnh đạo
thế giới đang ngày càng có động thái giống người nổi tiếng thông qua các trang
Facebook và Instagram nhằm thể hiện khía cạnh con người và tăng vị thế chính
trị của họ. Họ đang ở trong một cuộc đua với những người nổi tiếng, ca sĩ, và
các nhân vật phim hoạt hình.
Denise Hruby dẫn lời Brian Donahue, người đã làm việc cho
một số chiến dịch bầu cử Mỹ, bao gồm cả chiến dịch tranh cử của George W Bush
năm 2004: “Truyền thông xã hội hiệu quả thu lượm được phiếu. Bất kể lý do chính
cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội là gì, chính trị gia đã trở
nên tinh vi hơn trong cách tiếp cận của họ. Cử tri mong đợi các ứng cử viên
tranh cử chân thành và trung thực và cởi mở. Ứng viên tranh cử phải đời thường
hơn nữa trong nội dung họ đưa lên mạng.”
Bà Aim Sinpeng, giảng viên khoa chính trị so sánh tại Đại
học Sydney, người đang nghiên cứu cách các chính trị gia sử dụng truyền thông
xã hội, cho biết:Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cũng đang cố gắng tạo lập
tính chính danh thông qua các truyền thông xã hội. Singapore làm điều này
(Facebook) chủ yếu như một cách để vun đắp tính chính danh theo thời gian và
thu thập thông tin về người dân mình.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 30/05/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét