Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Khi các ông lớn bỏ cuộc

Ngày 18/5/2016 vừa qua, Microsoft đã chính thức công bố một thông báo gây chấn động: Microsoft đã đạt được thỏa thuận bán toàn bộ mảng điện thoại phổ thông của mình. Điều này cũng có nghĩa là Microsoft  từ bỏ cuộc chơi trong lĩnh vực điện thoại di động, và đối với Việt Nam thì nhà máy sản xuất điện thoại di động của Microsoft tại Bắc Ninh sẽ rơi vào tay công ty khác.

Thông báo của Microsoft

Bản thông báo ngày 18/5 cho biết: Microsoft đã đạt được thỏa thuận bán mảng điện thoại chức năng cơ bản (entry-level feature phone) của mình cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn công nghệ Hon Hai/ Foxconn (Đài Loan) và HMD Global, Oy (Phần Lan) với giá 350 triệu USD. Nằm trong giao dịch này, FIH Mobile Ltd. sẽ tiếp nhận Microsoft Mobile Việt Nam – nhà máy sản xuất điện thoại di động của Microsoft tại Bắc Ninh, Việt Nam. Sau khi thỏa thuận được thực hiện, nhân sự khoảng 4.500 người thuộc mảng đi động của Microsoft tại đây sẽ được chuyển giao hoặc có cơ hội gia nhập FIH Mobile Ltd. hay HMD Global, Oy, theo luật địa phương.


Theo thỏa thuận giao dịch, Microsoft sẽ chuyển nhượng toàn bộ các sở hữu chính về điện thoại chức năng, bao gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, mảng chăm sóc khách hàng và các tài sản khác, hợp đồng với khách hàng và các thỏa thuận cung ứng chủ yếu, theo đúng pháp luật nước sở tại. Giao dịch dự kiến được hoàn tất vào nửa sau của năm 2016, tùy thuộc vào các phê duyệt nguyên tắc và các điều kiện hoàn tất phát sinh khác.

Microsoft Mobile Vietnam tại Bắc Ninh, nay sắp đổi chủ

Điều gì xảy ra sau thông báo này?

Cần nhắc lại rằng từ cuối năm 2013, Microsoft đã làm một việc chấn động, đó là thông báo về việc chính thức đạt được thỏa thuận mua lại bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ liên quan của Nokia với giá 5 tỷ USD, đồng thời chi trả 2,18 tỷ USD để mua lại các bản quyền sáng chế của Nokia. Như vậy, Microsoft phải đầu tư tổng cộng 7,18 tỷ USD vào Nokia. Vài tháng sau đó, nhà máy sản xuất điện thoại Nokia tại Bắc Ninh, Việt Nam cũng đã được chuyển giao hoàn toàn cho Microsoft theo thỏa thuận này.

Chưa đầy 2 năm rưỡi sau, Microsoft đã bán tài sản mà mình đã mua với giá hơn 7 tỷ USD với giá bán chưa tới 1/20 giá mua! Một vụ lỗ nặng!

Điều đáng chú ý hơn nữa là cái tên của một trong hai công ty đã mua lại mảng điện thoại chức năng của Microsoft: HMD Global, Oy. Đây là một công ty Phần Lan, quê hương của Nokia. Thông tin cho biết: công ty này chỉ mới được thành lập cùng ngày ký kết thỏa thuận, do chính công ty Nokia ở Phần Lan tham gia thành lập và được điều hành bởi cựu lãnh đạo Nokia và Microsoft là Arto Numella! Do vậy, chẳng khác nào Microsoft đã mua sản phẩm của Nokia với giá trên 7 tỷ USD rồi bán lại cho chính Nokia với giá 350 triệu USD chỉ sau hơn 2 năm!

Đối với Việt Nam, sau thương vụ bán mảng điện thoại chức năng này của Microsoft là số phận của 4.500 con người đang làm việc tại Microsoft Mobile Vietnam ở Bắc Ninh. Dù thông báo của Microsoft có nói: “sẽ được chuyển giao hoặc có cơ hội gia nhập FIH Mobile Ltd. hay HMD Global, Oy”, nhưng e rằng Microsoft chẳng có quyền quyết định trong chuyện này. Hai hãng kia sẽ nhận người tùy theo nhu cầu thực tế của mình, và gần như chắc chắn họ sẽ không thể tiếp nhận hết toàn bộ 4.500 người của Microsoft Mobile. Hy vọng các cơ quan chức năng Việt Nam giám sát việc các doanh nghiệp bảo đảm đầy đủ chính sách cho người lao động khi bị mất việc đối với những người kém may mắn.

Tại sao Microsoft từ bỏ mảng điện thoại di động?

Điện thoại Microsoft Lumia

Cho đến giờ, khẩu hiệu về sứ mệnh của Microsoft vẫn là “Mobile first, cloud first”, nghĩa là “ưu tiên di động, ưu tiên đám mây”. Thế nhưng Microsoft giải thích rằng Mobile… không phải là điện thoại di động, mà là tính di động của các thiết bị!

Việc Microsoft từ bỏ dòng điện thoại di động chức năng là điều mà giới chuyên môn dự báo đã từ lâu. Bước chân vào lĩnh vực này khá muộn màng khi các công ty Apple, Samsung và nhiều công ty khác đã có một nền tảng kỹ thuật và thị trường quá lớn mạnh và vững chắc, Microsoft tin rằng với sức mạnh sẵn có của mình họ sẽ tạo nên sự bứt phá, nhưng cuối cùng trong cuộc đua họ đã hụt hơi!

Ngay từ khi mua Nokia và sản xuất ra dòng sản phẩm Microsoft Lumia, dòng sản phẩm này đã không thể hợp nhất vào hệ sinh thái Windows và gia đình thiết bị Microsoft. Quý 1-2016, Microsoft chỉ bán được khoảng 15 triệu chiếc điện thoại chức năng. Về thị phần hệ điều hành trên di động,  tuy Windows Phone xếp vị trí số 3 thế giới, nhưng chỉ là 1,1 %, so với 80,7% của Android (thứ nhất) và 17,7% của iOS (thứ hai).

Intel cũng từ bỏ mảng chip cho điện thoại di động

Gần như một sự trùng hợp, cách đây không lâu, một ông lớn khác trong ngành công nghệ thông tin là Intel cũng đã tuyên bố từ bỏ việc sản xuất bộ vi xử lý dùng cho điện thoại di động và máy tính bảng.

Trước nay bộ vi xử lý Atom do Intel sản xuất được dùng trong một số máy tính bảng và điện thoại di động, tại Việt Nam ta thấy bộ vi xử lý này trong dòng điện thoại Zenfone của Asus và máy tính bảng Dell.

Hơn một tháng trước, trong thông cáo báo chí chính thức, Intel cho biết đang trong quá trình sa thải 12.000 nhân viên để “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Intel sang lĩnh vực điện toán đám mây và hàng tỷ  thiết bị máy tính kết nối thông minh”. Intel cũng đã thông báo dừng sản xuất hai bộ vi xử lý Atom mới dự định sẽ trình làng trong  năm 2016, điện thoại thông minh đã không còn nằm trong kế hoạch tương lai của công ty này nữa.

CEO Brian Krzanich của Intel đã nhận ra rằng không nên tiếp tục đầu tư để sản xuất bộ vi xử lý dành cho điện thoại di động vì lĩnh vực này đem lại lợi nhuận thấp cho công ty và ông đã bắt đầu lên kế hoạch cho Intel về mặt chiến lược nhằm chuyển trọng tâm sang lĩnh vực Điện toán đám mây, Trung tâm dữ liệu, Dịch vụ điện thoại di động 5G và IoT (Internet of Things)

Nguyên nhân chính của việc từ bỏ này cũng giống Microsoft: Intel đã chậm chân hơn các đối thủ của mình (Qualcomm và MediaTek) và hụt hơi trong cuộc đua!

Có 2 bài học được rút ra từ các sự kiện này:

-          Cho dù là ông lớn như Microsoft hay Intel nhưng nếu chậm chân hơn đối thủ thì hoàn toàn có thể trở thành kẻ thua cuộc.
-          Khi thấy không đeo bám được thì phải dũng cảm chấp nhận thất bại và bỏ cuộc để giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 23/05/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét