Trong năm 2018, một số startup Việt – cả mới lẫn cũ – đã nhận được
những khoản đầu tư đáng kể, các startup này hầu hết đều là các ứng dụng trực
tuyến. Nhìn lại những khoản đầu tư này giúp ta hình dung được tình hình phát
triển các ứng dụng trực tuyến và biết được các nhà đầu tư quan tâm đến những
gì.
Sendo
Sendo, tức Sen đỏ, là nền tảng thương mại điện tử, bán lẻ
khá quen thuộc với mọi người qua trang web sendo.vn. Sendo.vn ra mắt người tiêu
dùng vào tháng 9-2012, xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP
Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Ngày 13-5-2014, công ty CP Công
nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT. Ngày 7-7-2014, Sendo đã
mua lại đối thủ của mình là 123Mua thuộc VNG Corporation, một nhà tiên phong
thương mại điện tử Việt Nam, với giá 10 tỷ đồng. Cơ sở khách hàng của 123Mua
bao gồm 30 triệu khách mua hàng trực tuyến.
Tháng 8-2018, sendo.vn công bố nhận được 51 triệu USD đầu tư
từ tập đoàn tài chính Nhật Bản - SBI Holdings và một số công ty khác có trụ sở
tại châu Á. Đây là mức đầu tư lớn nhất được công bố đối với một doanh nghiệp
tại Việt Nam, nâng Sendo lên ngang tầm với các đối thủ nước ngoài như Lazada,
Shopee hay đối thủ nội địa Tiki.
Topica
Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica (tên tiếng Anh: “Topica
Edtech Group”) là một doanh nghiệp công nghệ giáo dục đa quốc gia, Tổ hợp này
được thành lập năm 2018 với sứ mệnh nhân rộng mô hình đào tạo trực tuyến chất
lượng cao tới người học ở Việt Nam.Tổ hợp này cung cấp các giải pháp giáo dục
trực tuyến bao gồm các chương trình cử nhân trực tuyến (Topica Uni), chương
trình học tiếng Anh trực tuyến (Topica Native) và nền tảng công nghệ cho khóa
học trực tuyến mở trên nhiều lĩnh vực (Edumall). Topica có trụ sở chính tại Hà
Nội và đã mở rộng hoạt động sang Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia và
Mỹ.
Cuối năm, Topica Edtech Group công bố nhận khoản đầu tư 50
triệu USD từ Northstar trong vòng gọi vốn series D, khoản vốn lớn nhất từ trước
đến nay vào đào tạo trực tuyến ở Đông Nam Á. Northstar (Singapore) là quỹ quản
lý 2 tỷ USD chuyên đầu tư vào các công ty trong giai đoạn tăng trưởng ở Đông
Nam Á.
Tiki
Tiki.vn ra đời vào tháng 3-2010, khởi đầu là một trang bán
sách qua mạng. Thị trường thương mại điện từ những năm 2010 tại Việt Nam còn
khá mới và Tiki trở thành “cơn gió lạ”. Chính thời điểm thuận lợi đã giúp Tiki
phát triển thần tốc trong những năm đầu hình thành và phát triển. Một thời gian
sau, thương hiệu bắt đầu kinh doanh đa dạng sản phẩm và hoạt động trong nhiều
lĩnh vực. Đến nay, Tiki có 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành
hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé…
Tiki nhận được khoản đầu tư lớn từ JD.com, tập đoàn thương
mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc xét về doanh thu. Giá trị khoản đầu tư hồi
đầu năm 2018 không được công bố nhưng các nguồn tin cho biết JD.com bỏ ra 44
triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất tại Tiki.
MoMo
Ví điện tử MoMo là ứng dụng trên điện thoại thông minh với
hơn 10 triệu người dùng, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một
chạm (One Touch Payment) với hơn 100 tiện ích dịch vụ, bao gồm Chuyển tiền,
Thanh toán hóa đơn, Mua vé máy bay, Mua vé xe lửa, Vé xem phim, Thu-Chi hộ và
Thương mại trên di động. MoMo là sản phẩm của công ty cổ phần dịch vụ di động
trực tuyến M_Service hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động
(mobile payment), đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ
Ví điện tử và Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ/chi hộ…
Tháng 3-2018, MoMo công bố nhận khoản đầu tư lớn từ các nhà
đầu tư nước ngoài. Theo đó, công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service nhận
gói đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ Standard Chartered Private Equity và
Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs.
Trên đây là những khoản đầu tư lớn lên đến vài chục triệu
USD trong năm 2018, bên cạnh đó có những startup khác nhận được những khoản đầu
tư lên đến hàng triệu USD. Có thể kể:
-
Ứng dụng Luxstay liên kết các chủ homestay với khách
thuê vừa công bố nhận được 3 triệu USD từ CtyberAgen Ventures, Y1 Ventures và
vài nhà đầu tư khác. Trước đó, vào tháng 5-2018 Luxstay 2,5 triệu USD tại vòng
đầu tư Pre-Serie A từ CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản),
ESP Capital (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc).
-
Ứng dụng đặt vé máy bay và khách sạn trực tuyến VnTrip
nhận được khoản đầu tư từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding vào tháng 8-2018. Chi
tiết khoản tiền không được tiết lộ nhưng VNtrip lúc đó được nhà đầu tư định giá
45 triệu USD. Năm 2017 VNtrip nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước
ngoài, sau khi nhận được 3 triệu USD từ Alibaba trước đó 1 năm.
-
Hệ thống Cầm đồ toàn quốc F88 (thành lập năm 2013) nhận
được đầu tư từ Granite Oak, một quỹ đầu tư Châu Âu vào tháng 11-2018. Chi tiết
khoản tiền không được công khai nhưng nhà đầu tư định giá F88 gần 1.000 tỷ
đồng. Chuỗi F88 năm 2017 được Mekong Capital đầu tư.
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 07/01/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét