Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

LÊ VIẾT QUỐC - “Bộ não” của “Bộ não Google”

Những năm gần đây Google cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác như Microsoft, Facebook… đều tập trung nghiên cứu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo nên các ứng dụng hữu ích cho người dùng. Người dùng đã thừa hưởng được những kết quả ứng dụng công nghệ AI kỳ diệu của Google qua các ứng dụng có ngay trên thiết bị thông minh (như smartphone) của mình như công nghệ nhận dạng giọng nói, nhận dạng hình ảnh, công nghệ dịch. Và kỳ diệu hơn nữa nếu chúng ta biết đàng sau những thành quả làm nức lòng cả thế giới ấy là một chàng trai Việt Nam nhỏ bé, trẻ tuổi: Tiến sĩ Lê Viết Quốc. 

Chân dung Lê Viết Quốc – chuyên gia AI xuất sắc thế giới. Ảnh: SyncedReview 

Điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng thông minh

Ngồi trước tay lái xe, anh A muốn biết địa điểm X mà mình cần phải đến ở nơi đâu và di chuyển theo lộ trình nào để tới đó. Anh có thể bật điện thoại, vào Google Maps để tìm địa điểm rồi bấm vào nút Chỉ đường, xong đi theo chỉ đường trên bản đồ. Nhưng vấn đề là anh đang lái xe, làm sao bấm điện thoại được? Không hề gì, A chỉ cần đọc tên địa điểm cần đến vào chiếc smartphone gá trước mặt, Google Maps sẽ tiếp nhận thông tin đó, tự động tìm kiếm địa điểm, tự động xác định lộ trình. Và hơn thế nữa, sẽ có một giọng nói hướng dẫn cho anh A đường đi. Anh A chỉ cần tập trung lái xe, mọi chuyện còn lại… Google lo!

Phóng viên B tác nghiệp tại hiện trường. Anh cần phải viết tin nhanh để gửi gấp về tòa soạn. Có smartphone là một thuận tiện rồi, nhưng viết trên smartphone quả là bất tiện và không thể nhanh được. Không hề gì! B không cần viết, mà chỉ cần nói, trong khi đang bật một ứng dụng soạn thảo nào đó trên smartphone. Công nghệ nhận dạng giọng nói của Google sẽ tự động “ghi” lại những lời đó thành văn bản, và B chỉ cần lưu lại thành bài viết để gửi về tòa soạn. Mà cũng không nhất thiết phải là phóng viên đi viết tin, B có thể chỉ là một thiếu niên đang ngồi xem Facebook trên điện thoại. Cậu ta muốn viết một nhận xét (comment) lên đó. Không cần ngồi bấm phím mất công, chỉ cần đọc lời nhận xét cho máy nghe, nó sẽ tự động ghi lại thành câu chữ.

C đi du lịch nước ngoài, nhưng lại không biết tiếng nước ngoài, nhìn các bảng chỉ đường mà không hiểu nó viết cái gì. Chỉ cần đeo một kính thông minh (smart glass) thì các bảng chỉ đường bằng tiếng bản xứ (tiếng Anh, Hoa…) sẽ chuyển ngay sang ngôn ngữ của C (tiếng Việt). Có lẽ không cần đến ví dụ phức tạp như vậy (vì có thể bạn đọc không có smart glass), hãy lấy một trường hợp thông dụng hơn. C mua một sản phẩm nước ngoài, trên đó có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh mà anh không đọc được. C chỉ cần mở ứng dụng Google Dịch trên smartphone, giơ camera chụp lại bảng hướng dẫn đó. Ứng dụng sẽ tự động chuyển hướng dẫn sử dụng sang tiếng Việt để C có thể đọc dễ dàng. Ứng dụng Google dịch với khả năng nhận dạng hình ảnh và dịch này đã có mặt tại Việt Nam từ nửa sau năm nay và hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể dùng nó để chuyển ngữ từ nhiều thứ tiếng như Anh, Hoa, Pháp… sang tiếng Việt. 

Minh họa về tính năng của Google Dịch: hướng camera của smartphone về hộp sữa có in tiếng Trung quốc, trên màn hình dịch ngay chữ đó ra tiếng Anh là Milk. 

Trên đây là một vài minh họa lý thú về sự “thông minh” của điện thoại thông minh do Google đem lại mà người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng bằng chính chiếc điện thoại thông minh của mình. Những thành quả thần kỳ này của Google phát xuất từ một dự án của họ mang tên Google Brain (Bộ não Google). Đồng sáng lập dự án Google Brain là một người Việt trẻ tuổi, anh chính là “bộ não” của “bộ não Google”: Tiến sĩ 37 tuổi Lê Viết Quốc.

Người đứng đàng sau sự thông minh của Google, Lê Viết Quốc là ai?

Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại một làng quê nghèo ở Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Nơi anh sống thuở ấy không có điện. Khi đó, đối với anh thư viện nhỏ gần nhà là cả một thiên đường. Hàng ngày, Quốc vùi đầu trong thư viện, ngấu nghiến đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và mơ mộng một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy.

Năm 14 tuổi, Quốc quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự theo đuổi và cho ra các sáng chế - một ý tưởng cho đến giờ vẫn còn là một giấc mơ. Nhưng chính ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ đó đã đưa Quốc đến với con đường trở thành một người tiên phong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, để tạo ra những phần mềm giúp hiểu về thế giới hơn cách mà con người đang làm.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Quốc được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia và sau đó là học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ).

Quốc kể rằng khi mình lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu AI, đầu những năm 2000, nó “thực sự làm phiền” anh. Anh không thích các hệ thống máy-học dựa quá nhiều vào đầu vào từ các kỹ sư con người. Máy có thể học − ít nhất đến một mức độ nhất định − nhưng chúng cần đến hàng tá hướng dẫn để làm được như vậy. Chúng không thể học cách nhận ra những bức ảnh, trừ khi những bức ảnh đó được dán nhãn chỉ dẫn từng cái (ví dụ: ảnh này là con mèo, ảnh kia là con cá…). Anh cho rằng để đạt được sự thông minh thực sự, máy phải tự học, không cần nhãn hiệu chỉ dẫn, giống như con người.

Khi ở Stanford, Quốc đã khám phá ra chiến lược để cải thiện khả năng tự học của máy. Khi đó, các nhà khoa học đã bắt đầu công bố các kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn còn rất chậm chạp về một phương pháp gọi là “học sâu” (deep learning), bằng cách sử dụng hàng trăm máy để vận hành “các mạng thần kinh” phức tạp – các kiến trúc phần mềm có nhiệm vụ bắt chước các mạng lưới nơ-ron thần kinh – nó cho phép các máy học hỏi.

Quốc tìm ra được cách làm thế nào để tăng tốc – bằng việc xây dựng các mạng nơ-ron thần kinh mô phỏng lớn hơn 100 lần, từ đó có thể xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần.

Cách tiếp cận của Quốc đã thu hút sự chú ý của Google, dẫn đến cơ duyên anh được mời tham gia đồng sáng lập dự án Google Brain vào năm 2011 cùng nhà nghiên cứu AI nổi tiếng khi ấy là Andrew Ng.

Năm 2014, MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất nước Mỹ, đã xếp Lê Viết Quốc vào danh sách 35 Nhà sáng tạo dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới của năm.

Bạn có nghĩ chàng trai nhỏ bé mặc quần jean, áo thun xanh trong hình là một chuyên gia AI nổi tiếng thế giới không? Ảnh: ĐH Fullbright Việt Nam. 

Với những thành tích lẫy lừng thế giới như vậy, ta sẽ rất bất ngờ khi gặp Lê Viết Quốc ngoài đời. Anh không có dáng vẻ của một “soái ca” đã đành, mà ngay cả dáng vẻ của một nhà trí thức tầm cỡ quốc tế cũng không. Anh là một chàng trai mảnh khảnh, nhỏ bé, đeo kính cận dày cộm và thường đứng bình dị, khiêm tốn giữa đám đông. Khi Quốc về Việt Nam dự buổi giao lưu giữa các thành viên Hội đồng tín thác Đại học Fulbright với các sinh viên của trường, các bạn sinh viên năm nhất còn nhầm tưởng đó là một sinh viên đang theo học hệ cao học tại trường!

Lê Viết Quốc đã khiến máy trở nên thông minh như thế nào?

Lê Viết Quốc diễn giải cho người nghe một cách dễ hiểu về trí tuệ nhân tạo và những điều anh đã làm như sau:

Một bức ảnh kỹ thuật số không gì hơn là các con số, và nếu bạn tách được các từ nói thành các âm vị (phonemes), bạn cũng có thể biến chúng thành các con số. Sau đó, bạn có thể đưa số liệu đó vào máy, và điều đó có nghĩa là máy sau cùng có thể hiểu được các nội dung của hình ảnh và ý nghĩa của các từ. Facebook có thể nhận ra khuôn mặt của bạn, và Google có thể hành động theo những từ cụ thể bạn nói.

Quốc muốn đi xa hơn. Anh muốn tạo ra các công nghệ có thể lấy toàn bộ các câu, toàn bộ các đoạn văn, và các loại ngôn ngữ tự nhiên khác và biến chúng thành các con số − hoặc các véc tơ, các cấu trúc toán mà các nhà khoa học máy tính sử dụng, để dịch những điều chúng ta nhìn thấy và nghe thấy thành thông tin mà máy có thể hiểu. Quốc còn tham vọng muốn thăm dò, khám phá những khả năng máy có thể hiểu những thứ như ý kiến và cảm xúc.

Ở Google, Lê Viết Quốc được giao trọng trách quản lý dự án Google Brain, phụ trách một nhóm nghiên cứu khoảng 25 người. Bộ phận này chịu trách nhiệm nghiên cứu những dự án mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại hiện nay. Nhóm của Quốc tập trung vào việc phát triển và hoàn thiện công nghệ nhận dạng giọng nói, hình ảnh và dịch thuật.

Cách đây 10 năm, một cuốn sách đã đưa ra dự báo là 50 năm nữa loài người sẽ có máy tính nhận dạng hình ảnh tốt như mắt người. Thế nhưng trên thực tế, chỉ 10 năm sau đã xuất hiện máy tính nhận dạng được hình ảnh. Đến năm 2016, máy đã vượt ra khả năng nhận diện hình ảnh của con người. Một vấn đề khoa học tưởng chừng như khó khăn nhất nhưng đã có bước đột phá.

Tiếp đến là mảng dịch thuật, nhận diện giọng nói, trong đó Google Translate (công cụ dịch của Google) được xem là sản phẩm tiện ích khó tin cho người dùng. Sản phẩm bắt đầu từ những việc tưởng chừng như không thể, từ chỗ người nói 10 từ máy nhận diện sai hai từ, sau khoảng 8 đến 10 năm, mười từ người nói, Google chỉ sai nửa từ.

Năm 2016, Lê Viết Quốc đã hợp tác với một nhà nghiên cứu khác tại Google Brain và công bố tài liệu nghiên cứu Neural Architecture Search with Reinforcement Learning (Nghiên cứu về kiến trúc thần kinh với việc học tăng cường). Ý tưởng cốt lõi giống như việc xây dựng các blocks: Máy tính thực hiện việc chọn các thành phần cần thiết từ một không gian xác định để xây dựng mạng thần kinh và sau đó cải thiện độ chính xác của nó bằng việc sử dụng sử dụng kỹ thuật trial-and-error (kỹ thuật thử - sai), đó chính là việc học tăng cường. Kết quả là đầy hứa hẹn vì máy tính có thể tạo ra mô hình phù hợp có hiệu suất ngang bằng hiệu suất của con người trong một số nhiệm vụ.

Nghiên cứu của Quốc đã góp phần tạo ra Google Cloud AutoML, một nhóm các công cụ cho phép các nhà phát triển có kiến thức hạn chế về học máy có thể đào tạo các mô hình chất lượng cao. AutoML nhanh chóng trở thành chủ đề phố biến với những gã khổng lồ về công nghệ.

Cậu bé làng quê ngày nào ước mơ đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam

Đầu năm 2017, Lê Viết Quốc nhận lời tham gia Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả chính phủ Mỹ và Việt Nam, với kì vọng Việt Nam sẽ có trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Thành viên Hội đồng Tín thác Fulbright là những chuyên gia, học giả, nhà khoa học, doanh nhân uy tín của Mỹ và Việt Nam, được xã hội “ký thác” niềm tin giúp quản trị, giám sát sự hoạt động của trường, không có quyền lợi trực tiếp, không nhận bất cứ đồng lương nào từ trường.

Cậu bé nghèo ở làng quê Hương Thủy ngày nào đã rời Việt Nam được 18 năm, nhưng “lúc nào nằm mơ cũng mơ về Việt Nam, về ngôi nhà và ngôi làng thời thơ ấu, về những miền đất nơi mình đã gắn bó”, chứ hầu như chẳng bao giờ mơ về Mỹ, nơi anh định cư hơn mười mấy năm trời.

Quốc tâm sự:

“Mỗi lần trở về thấy đất nước lại phát triển thêm một chút, mình cũng muốn đóng góp một chút gì đó. Mình tin là, Việt Nam muốn phát triển thì trước tiên phải có ít nhất một trường đại học tốt. Khi có một trường đại học tốt thì mới có con người giỏi để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những người ở Đại học Fulbright mà mình tiếp xúc khiến mình cảm nhận được tâm huyết, tham vọng và cả cam kết của họ muốn góp phần thay đổi tích cực hệ thống giáo dục này. Vì thế, mình mong muốn được góp sức mình trong sứ mệnh đó”.

Quốc kì vọng sẽ cùng các cộng sự ở Fulbright xây dựng một chương trình đào tạo khoa học máy tính, trong đó có AI, ứng dụng những sáng tạo mới nhất của thế giới.

Lê Viết Quốc tại Hội thảo Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2018 

Ngày 21-8-2018, Hội thảo Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2018 (AI4VN - 2018) được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo hướng tới mục đích chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tạo ra kết nối, trao đổi, định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của Lê Viết Quốc cùng nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong các ngành, lĩnh vực khoa học & công nghệ hàng đầu. Tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn: “Khi Việt Nam xác định được bài toán của mình, sẽ có những nhà khoa học ở trong và ngoài nước như anh Lê Viết Quốc, anh Bùi Hải Hưng, khi có điều kiện tốt rồi, cảm thấy có thể cống hiến được rồi, sẵn sàng từ bỏ Google để về xây dựng đất nước”.

Phạm Hoài Nhân (Tổng hợp) 
Lao động Đồng Nai - Xuân 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét