Hội nghị Diên Hồng về Trí tuệ Nhân tạo cho Việt Nam
Trí tuệ Nhân tạo (AI) là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của toàn thế giới và đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong vài năm gần đây. Tại Việt Nam, năm 2018 là năm mà cộng đồng AI Việt Nam có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ về AI. Từ những ý tưởng ban đầu, đến nay AI đã mở rộng, hướng đến cuộc sống, hướng đến ứng dụng và có bước phát triển mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là trong các cơ hội nghiên cứu, phát triển AI, Việt Nam có tận dụng được để vươn lên hay không.
Để giải quyết bài toán này, Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức Hội thảo về Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2018 (AI Việt Nam 2018) vào ngày 21-8-2018 tại Hà Nội. Đây được xem là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay về Trí tuệ Nhân tạo tại Việt Nam.
Hội thảo Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2018. Từ bên phải qua lần lượt là: TS Bùi Hải Hưng, TS Lê Viết Quốc, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy
AI Việt Nam 2018 hướng tới mục đích chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của KH&CN và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu; đồng thời kết nối, trao đổi, định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam.
Điều khiến cho hội thảo này trở nên một “Hội nghị Diên Hồng” cho AI Việt Nam là hội thảo có sự tham dự của trên 100 chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI trong nhiều lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng,...), các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và thế giới.
Họ là những ai?
Các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài được mời tham dự AI4VN 2018 là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…).
Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Có thể kể đến các chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ; GS.TS. Vũ Hà Văn, Đại học tổng hợp Yale, Mỹ; TS. Bùi Hải Hưng, Google DeepMind, Mỹ; TS. Vũ Duy Thức, Mỹ; TS. Đào Ngọc Thành, CEO & Founder của Bap-Blockchain; Ông Lê Minh Toàn, Công ty Bap-Blockchain, Nhật Bản; ông Trần Đặng Minh Trí, Tập đoàn Ramsay Health Care, Úc; TS. Đỗ Bình Minh, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản…
Ở đây xin được ưu tiên nhắc đến hai nhân vật đặc biệt, được xem là nhà sáng chế bậc nhất của công ty thành công bậc nhất thế giới về AI là Google: đó là tiến sĩ Bùi Hải Hưng và tiến sĩ Lê Viết Quốc.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng sinh năm 1973 tại Hà Nội. Anh đã từng đạt huy chương bạc tại Olympic Toán quốc tế lần thứ 30 tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 1989 khi mới học lớp 11 (GS Ngô Bảo Châu đạt huy chương vàng tại kỳ thi này). Tháng 3-1991, Bùi Hải Hưng sang Australia theo học bổng của trường Đại học Công nghệ Curtin dành cho một học sinh được giải thi toán quốc tế. Đến năm 1998, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tin học tại trường Đại học Công nghệ Curtin khi chưa tròn tuổi 25, trở thành tiến sĩ tin học trẻ nhất Việt Nam. Hiện anh đang là chuyên gia cao cấp về trí tuệ nhân tạo tại Google Deepmind, Mỹ.
Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại một làng quê nghèo ở Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Quốc được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia và sau đó là học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ). Năm 2014, MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất nước Mỹ, đã xếp Lê Viết Quốc vào danh sách 35 Nhà sáng tạo dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới của năm. Lê Viết Quốc là đồng sáng lập Google Brain và hiện là nhân vật chủ chốt của tổ chức lớn nhất về trí tuệ nhân tạo này của Google.
Tiến sĩ Lê Viết Quốc
Họ đã làm được những điều gì về AI trên thế giới?
Google DeepMind – nơi Bùi Hải Hưng đang là chuyên gia cao cấp về AI – ban đầu là một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo của Anh mang tên DeepMind Technologies, thành lập năm 2010. Công ty này được Google mua lại năm 2014 và đổi tên thành Google DeepMind. Đây là nơi nghiên cứu các dự án táo bạo đến mức tưởng như “điên rồ” nhưng lại thay đổi cuộc sống con người như xe tự lái, kính Google... Với những nghiên cứu của mình, Bùi Hải Hưng được đánh giá là một trong những bộ óc thông minh xuất chúng. Năm 2016, Google DeepMind gây chấn động khi chương trình AlphaGo của mình đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp của con người lần đầu tiên. Công ty tiếp tục đạt những thành tựu đáng kinh ngạc khi tạo ra các AI có thể chẩn đoán bệnh ở mức độ chính xác cao hơn bác sĩ chuyên nghiệp. Gần đây nhất, AlphaGo Zero của Google DeepMind đang cố gắng tìm ra cách mà các protein uốn gấp thành các cấu trúc ba chiều, điều mà nếu thành công, nó sẽ có thể đẩy nhanh quá trình mà chúng ta tìm ra những loại thuốc mới.
Cùng là bộ phận nghiên cứu về AI của Google như DeepMind, nhưng Google Brain nơi Lê Viết Quốc đang nắm vai trò chủ đạo lại cho ra những thành quả mà chúng ta có thể thừa hưởng được ngay từ những thiết bị thông minh của mình. Đó là công nghệ dịch – thông qua ứng dụng Google Dịch – và công nghệ nhận dạng giọng nói – thông qua việc truyền đạt thông tin cho thiết bị thông minh bằng giọng nói. Google dịch được xem là sản phẩm tiện ích đến mức khó tin cho người dùng. Sản phẩm bắt đầu từ những việc tưởng chừng như không thể, từ chỗ người nói 10 từ máy nhận diện sai hai từ, sau khoảng 8 đến 10 năm, 10 từ người nói, Google chỉ sai nửa từ. Lê Viết Quốc đã công bố tài liệu nghiên cứu Neural Architecture Search with Reinforcement Learning (Nghiên cứu về kiến trúc thần kinh với việc học tăng cường). Ý tưởng cốt lõi giống như việc xây dựng các blocks: Máy tính thực hiện việc chọn các thành phần cần thiết từ một không gian xác định để xây dựng mạng thần kinh và sau đó cải thiện độ chính xác của nó bằng việc sử dụng sử dụng kỹ thuật thử - sai, đó chính là việc học tăng cường. Kết quả là đầy hứa hẹn vì máy tính có thể tạo ra mô hình phù hợp có hiệu suất ngang bằng hiệu suất của con người trong một số nhiệm vụ.
Họ đóng góp gì tại Hội nghị Diên Hồng về AI cho Việt Nam?
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng cho rằng ngành AI thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng tâm sự:
“Dù ở nước ngoài đã lâu nhưng tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam và dành tâm huyết cho việc phát triển công nghệ, đặc biệt là AI. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ các công ty, cơ sở của Việt Nam trong lĩnh vực này. Thậm chí nếu có cơ hội tốt thì tôi có thể sẽ trở về làm việc trong môi trường của Việt Nam.
Những người như tôi có một số năm kinh nghiệm, kiến thức và biết rằng thế giới họ quan tâm vấn đề nào, vấn đề nào có thể chú trọng, thực thi được. Đây là những thứ mà tôi có thể chia sẻ khi doanh nghiệp có câu hỏi liên quan tới việc định hướng phát triển trong lĩnh vực này AI, BigData… Ở mức độ cao hơn, doanh nghiệp có thể đề xuất với những người như chúng tôi ở nước ngoài làm việc cho họ. Đã có trường hợp doanh nghiệp ở Việt Nam mở phòng Lab, thuê giáo sư ở nước ngoài về làm việc…”
Theo tiến sĩ Lê Viết Quốc, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính, đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.
Đầu năm 2017, Lê Viết Quốc đã nhận lời tham gia Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả chính phủ Mỹ và Việt Nam, với kì vọng Việt Nam sẽ có trường đại học đẳng cấp quốc tế. Thành viên Hội đồng Tín thác Fulbright là những chuyên gia, học giả, nhà khoa học, doanh nhân uy tín của Mỹ và Việt Nam, được xã hội “ký thác” niềm tin giúp quản trị, giám sát sự hoạt động của trường, không có quyền lợi trực tiếp, không nhận bất cứ đồng lương nào từ trường. Quốc tâm sự:
“Mỗi lần trở về thấy đất nước lại phát triển thêm một chút, mình cũng muốn đóng góp một chút gì đó. Mình tin là, Việt Nam muốn phát triển thì trước tiên phải có ít nhất một trường đại học tốt. Khi có một trường đại học tốt thì mới có con người giỏi để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.
Những lời nhắn gửi
Tại hội thảo AI Việt Nam 2018, thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn: “Khi Việt Nam xác định được bài toán của mình, sẽ có những nhà khoa học ở trong và ngoài nước như anh Lê Viết Quốc, anh Bùi Hải Hưng, khi có điều kiện tốt rồi, cảm thấy có thể cống hiến được rồi, sẵn sàng từ bỏ Google để về xây dựng đất nước”.
Điều mong ước này có lẽ khó thành hiện thực trong tương lai gần, vì vai trò của các anh Lê Viết Quốc, Bùi Hải Hưng tại Google còn quá lớn, nhưng với khối óc và năng lực của những nhà khoa học tài năng Việt Nam trên toàn thế giới cùng với tấm lòng đối với Tổ quốc của các anh như đã thể hiện qua hội thảo lần này, chúng ta tin rằng lĩnh vực AI của Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ để đi cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai- Xuân 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét