Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Airbnb – Cánh chim đầu đàn của nền kinh tế chia sẻ đang trong giông bão


Airbnb (chia sẻ nơi ở) cùng với Uber (chia sẻ phương tiện vận chuyển) được xem là những công ty khởi nguồn cho nền kinh tế chia sẻ. Mặc dù ở Việt Nam người ta biết đến Uber trước Airbnb nhưng trên thế giới Airbnb là công ty ra đời trước (năm 2008, so với Uber năm 2009). Đạt được những kết quả vượt bậc và phát triển mạnh trên khắp thế giới nhưng tại thời điểm này Airbnb đang trải qua những bão giông chưa từng có.

Website của Airbnb Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường với một số cải tiến cho phù hợp tình hình COVID-19


Chiếc nệm hơi và bữa ăn sáng

Ý tưởng đến với hai nhà thiết kế công nghiệp Brian Chesky và Joe Gebbia, vốn là bạn học cũ và giờ là bạn cùng phòng, ngay khi họ chuyển đến San Francisco vào tháng 10-2007. Hai người thuê một căn hộ và nhận ra rằng họ có thể giảm được một nửa tiền thuê nếu cho khách du lịch thuê lại phòng khách để ngủ trên chiếc nệm hơi (airbed) cùng bữa ăn sáng (breakfast). Thời điểm đó tại San Francisco đang diễn ra Hội nghị thường niên của Hiệp hội những nhà thiết kế công nghiệp Hoa kỳ, phòng khách sạn tại đây khan hiếm. Hai người cho đăng quảng cáo trên trang www.core77.com như sau:

Về “một chỗ ở với giá phải chăng thay thế cho căn phòng khách sạn trong thành phố”, hãy tưởng tượng bạn thức dậy trong ngôi nhà của một người làm việc trong ngành thiết kế, hoàn toàn tỉnh táo sau giấc ngủ trên chiếc nệm hơi, trò chuyện với nhau về những sự kiện sắp diễn ra trong ngày trong khi dùng món Pop Tarts và OJ... Đó là lý do cho sự ra đời của AirBed & Breakfast, nơi “khách” được thưởng thức bữa ăn nấu tại nhà (không nhất thiết phải là món Pop Tarts, nhưng chúng tôi cũng không đảm bảo gì hơn) và vị chủ nhà là dân thiết kế biết rõ mọi ngóc ngách của thành phố.
(Trích trang web www.core77.com ngày 10-10-2007)

Tháng 2-2008, Chesky mời bạn học cũ của mình là Nathan Blecharchot tham gia với tư cách là Giám đốc Công nghệ và là người đồng sáng lập thứ ba để thành lập công ty, đặt tên là AirBed & Breakfast (Nệm hơi và bữa ăn sáng). Trang web AirbedAndBreakfast.com ra mắt ngày 11-8-2008, kết hợp những người có phòng ở dư thừa và khách có nhu cầu nhưng không thể hoặc không thích thuê phòng khách sạn. Sự kết hợp này tận dụng được không gian sống, cung cấp cho khách các khu vực sinh hoạt ngắn hạn, bữa ăn sáng và cả các cơ hội kết nối kinh doanh. Những người sáng lập đã có những khách hàng đầu tiên của họ là khách tham dự Hội nghị Thiết kế Công nghiệp tháng 8-2008.

Tháng 3-2009, tên công ty được rút ngắn thành Airbnb.com và nội dung của trang đã được mở rộng từ nệm hơi và không gian chung sang nhiều loại tài sản bao gồm toàn bộ nhà và căn hộ, phòng riêng và các tài sản khác.

Thập niên phát triển vượt bậc

Từ ngày thành lập, Airbnb đạt những bước tiến vượt bậc với dòng tiền huy động vốn đầu tiên từ Greylock Partners và Sequoia Capital.

Tháng 6-2012, Airbnb công bố số phòng đặt qua mạng của công ty đạt con số 10 triệu. Tháng 10-2011, Airbnb thành lập văn phòng tại London, văn phòng quốc tế đầu tiên. Đến đầu năm 2012, Airbnb đã có văn phòng tại Paris, Milan, Barcelona, ​​Copenhagen, Moscow, São Paulo, San Francisco, London, Hamburg và Berlin. Tháng 9-2013, công ty tuyên bố sẽ thành lập trụ sở châu Âu tại Dublin.

Tháng 11-2012, Airbnb mở văn phòng tại Sydney, Úc và công bố kế hoạch ra mắt dịch vụ tại Thái Lan và Indonesia. Tháng 12-2012, Airbnb tuyên bố chiến lược của mình tiến mạnh hơn vào thị trường châu Á với việc ra mắt văn phòng tại Singapore.

Tại Việt Nam, Airbnb có mặt từ 2015 với khoảng 1.000 listing (nhà ở, căn hộ… được liệt kê). Đến tháng 1-2019 con số listing đã lên đến gần 41.000 (theo báo cáo Homesharing Vietnam Insights 2019 của Outbox Consulting), tăng 4.000% sau 4 năm.

Đến tháng 10-2013, Airbnb đã phục vụ 9 triệu khách. Gần 250.000 tài sản đã được thêm vào năm 2013.

Mặc dù phát triển nhanh và mạnh như vậy nhưng mãi đến nửa cuối năm 2016 Airbnb mới lần đầu tiên có lãi. Năm 2018, Airbnb lãi 200 triệu USD nhưng bất ngờ Airbnb đã lỗ 322 triệu USD vào năm 2019.

Nửa sau thập niên 2010, nền kinh tế chia sẻ sụp đổ tại Mỹ và châu Âu, Airbnb chịu ảnh hưởng theo

Giới học thuật Âu Mỹ cho rằng nền kinh tế chia sẻ đã cáo chung từ 2016. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ là biến tướng của nó. Ví dụ mô hình thuê xe của Uber, Grab: thay vì đúng tinh thần kinh tế chia sẻ là tài sản (xe) chưa cần dùng đến sẽ được đưa ra phục vụ thì người ta lại… đổ xô nhau mua xe để chạy Uber, chạy Grab. Từ đó dẫn đến tài sản của xã hội chẳng những không được tận dụng mà lại càng lãng phí hơn nữa. Đối với mô hình cho thuê căn hộ kiểu Airbnb cũng vậy, người ta đổ xô nhau mua căn hộ để cho thuê, làm giá bất động sản tăng cao mà lại không được sử dụng hợp lý.

Kinh tế chia sẻ không tạo ra được sự tin cậy. Thông thường, chính phủ đóng vai trò trung gian quản lý mối quan hệ giữa các công ty với người tiêu dùng, trong khi các nền tảng thường né tránh trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ, từng có trường hợp khách chết hay bị tấn công khi sử dụng dịch vụ thuê phòng Airbnb hay thuê xe Uber nhưng các công ty này không chịu trách nhiệm.

Một nhược điểm chết người nữa của nền kinh tế chia sẻ là rất nhiều startup lợi dụng sức hấp dẫn của mô hình này để tạo ra các “con hổ giấy” thu hút các nhà đầu tư, mà WeWork là một minh chứng rõ nét. WeWork là một trong những startup hàng đầu nước Mỹ, được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại New York. WeWork đi theo mô hình văn phòng chia sẻ, chuyên cung cấp văn phòng chia sẻ cho các công ty công nghệ khởi nghiệp. Thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng cuối năm 2019 người ta phát hiện ra công ty này làm ăn không có hiệu quả. Giới chuyên môn nhận xét rằng WeWork đã chết lâm sàng.

Uber không đến nỗi tệ như vậy nhưng cũng chẳng sáng sủa gì. Năm 2018, Uber lỗ tới 1,8 tỷ USD, còn năm 2017 lỗ 2,2 tỷ USD. Quý 1-2019, Uber chỉ đạt doanh thu 3 tỷ USD và cũng lỗ tới 1 tỷ USD.

Trong tình hình đó, Airbnb “chỉ” bị lỗ 322 triệu USD năm 2019 vẫn được coi là… tương đối tốt. Thế nhưng, năm 2020 đến với đại dịch COVID-19.

Cơn ác mộng COVID-19

Biếm họa của báo Telegraph: Airbnb đang vất vả chống đỡ virus corona (hình màu đỏ phía dưới là logo Airbnb)

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu đến hầu như mọi ngành nghề, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là ngành du lịch và trong đó tổn thương nghiêm trọng nhất chính là các dịch vụ lưu trú như Airbnb.

Airbnb như một võ sĩ vừa lĩnh những cú đấm lảo đảo từ việc kinh doanh thua lỗ cuối năm 2019, chưa gượng dậy được thì đã nhận tiếp những đòn đánh hủy diệt của đại dịch COVID-19. Tình hình bi đát đến nỗi các tờ báo lớn như CNBC, Bloomberg… giật tít: “Liệu Airbnb có sống sót nổi qua đại dịch COVID-19?”

Theo CNBC, giá trị của Airbnb vào tháng 3-2017 là 31 tỷ USD, đến cuối tháng 4-2020 chỉ còn là 18 tỷ USD. Không có con số chính thức về mức độ giảm sút doanh thu đặt phòng của Airbnb, nhưng theo ước tính của Bloomberg con số này là từ 41% đến 96% tùy nơi và thời điểm. Đầu tháng 5-2020, Airbnb đã phải cho nghỉ việc 1.900 nhân viên trong tổng số 7.500 nhân viên của mình, tương đương 25%. CEO Brian Chesky nói với nhân viên của mình rằng doanh thu năm 2020 sẽ ít hơn một nửa của năm 2019.

Thống kê từ SimilarWeb cho thấy lượt truy cập Airbnb.com tháng 1-2020 là 90,6 triệu giảm xuống còn 26,3 triệu vào tháng 4-2020. Đến tháng 5-2020, lượt truy cập tăng trở lại một ít, là 42 triệu. Trang web Airbnb tại Việt Nam (Airbnb.com.vn) cũng có diễn biến tương tự, tháng 1-2020 là 170.000 giảm xuống còn 40.000 trong tháng 4-2020 và tăng lên 89.470 vào tháng 5-2020.

Đại dịch chắc hẳn còn dài và cuộc chiến sống còn của Airbnb vẫn còn phải tiếp diễn. Và ngay cả khi Airbnb vượt qua được đại dịch thì chắc chắn họ cũng phải có nhiều thay đổi lớn trước tình hình những đại biểu của nền kinh tế chia sẻ đều đang trên đà sụp đổ.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 28/06/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét