Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Phát hiện và ngăn chặn những kẻ lừa đảo


Vint Cerf (77 tuổi) là một trong những cha đẻ của Internet, ông có những đóng góp to lớn về Internet được ghi nhận trên toàn thế giới. Hiện nay ông đang hoạt động trong rất nhiều tổ chức để giúp Internet cung cấp giá trị tốt nhất cho con người, trong đó có vai trò Giám đốc truyền bá Internet của Google từ 2005. Bài viết sau đây của ông nêu lên vấn đề lừa đảo trên Internet và giải pháp để phát hiện và ngăn chặn lừa đảo, tuy viết riêng cho bối cảnh nước Mỹ nhưng hoàn toàn phù hợp với Việt Nam và toàn thế giới.


Mọi người cần đề cao cảnh giác để phát hiện lừa dảo. Nguồn: ScamSpotter.com

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), mọi người đã báo cáo mất 1,9 tỷ USD vì lừa đảo vào năm 2019. Mỗi phút, hơn 3.600 đô la bị móc khỏi túi hoặc tài khoản ngân hàng để đáp ứng các câu chuyện được dựng lên như trả nợ thuế quá hạn, tiền thắng cuộc thi không có thật, hoặc một người dẻo miệng nói chuyện trơn tru rằng đột nhiên cần một số thẻ quà tặng. Một cuộc gọi điện thoại có tính chất cấp bách hoặc tin nhắn có nội dung hấp dẫn có thể khiến nhiều người quên mất việc phán đoán, đặc biệt nếu họ nhận được nó vào thời điểm nhạy cảm.

Trước tình trạng các báo cáo lừa đảo liên tục tăng cao ở mức kỷ lục, chúng tôi hỗ trợ cho Cybercrime Support Network (Mạng lưới Hỗ trợ chống Tội phạm trên không gian ảo) giúp mọi người xác định các vụ lừa đảo trước khi họ trở thành nạn nhân của chúng, thông qua một chương trình mới có tên Scam Spotter (tạm dịch Điểm danh Lừa đảo). Nó đơn giản hóa lời khuyên của chuyên gia với ba quy tắc vàng. Hãy nhớ tham khảo các quy tắc này khi bạn nhận được một cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn đáng ngờ để tìm hiểu xem nó có lừa đảo không:

  1. Làm chậm lại: Họ có nói với bạn điều đó khẩn cấp không? Dành một ít thời gian của bạn và đặt câu hỏi với họ để tránh bị rơi vào một tình huống xấu.
  2. Kiểm tra ngay: Họ có tuyên bố là từ một tổ chức cụ thể? Tự nghiên cứu để kiểm tra lại các chi tiết bạn nhận được.
  3. Dừng lại! Đừng gửi: Họ có yêu cầu bạn mua giúp thẻ điện thoại các thẻ quà tặng? Nếu bạn nghĩ rằng đề nghị này là đáng ngờ, thì gần như chắc chắn là như vậy.
Khi COVID-19 phá vỡ cuộc sống của mọi người, điều đó không có nghĩa là những kẻ lừa đảo đã nghỉ ngơi. Trên thực tế, những kẻ lừa đảo đã khai thác đại dịch với tốc độ đáng báo động, lợi dụng sự sợ hãi và sự không chắc chắn. Hơn 40 triệu USD thiệt hại do lừa đảo liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo cho FTC. Các câu chuyện trong những trường hợp này là: các gói kích thích mới được mở ra (mà muốn nhận được phải ứng một khoản tiền nào đó), các tổ chức từ thiện hào phóng (sẽ chi tiền cho bạn sau khi bạn cung cấp thông tin riêng tư của mình), những món lợi tức hấp dẫn của người họ hàng xa nào đó đang điều trị ở khu Chăm sóc tích cực… Trong tất cả các tình huống này, ba quy tắc vàng vẫn nên được áp dụng.

Trong mọi trường hợp, cần nhớ Ba quy tắc vàng. Nguồn: ScamSpotter.com

Nghiên cứu cho thấy những người ở độ tuổi 25 - 40 có khả năng bị lừa đảo nhiều nhất, nhưng những người cao tuổi mới là người chịu thiệt hại nhiều nhất, với tổn thất trung bình của họ nhiều hơn gấp đôi mức trung bình. Chính vì vậy, chống lại bọn lừa đảo trên không gian mạng phải là một nỗ lực xuyên thế hệ. Trang web ScamSpotter.org được lập ra để chia sẻ những tình huống mà bọn tội phạm có thể tạo dựng nên để lừa đảo. Hãy xem và chia sẻ website này khi bạn nói chuyện với người cao tuổi. Trong website ScamSpotter.com có phần Kiểm tra, có lẽ bạn cũng nên làm thử bài kiểm tra để đo lường mức độ cảnh giác của mình.

Nếu chúng ta học cách phát hiện ra bọn xấu, chúng ta có thể dành thời gian tập trung vào những việc quan trọng. Và với những người cao tuổi, hãy nhớ rằng: Tất nhiên Internet là dành cho chúng ta, bởi vì chúng ta đã phát minh ra nó!

Vint Cerf
(
Biên dịch: Phạm Hoài Nhân)
Báo Đồng Nai - 01/06/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét