Ngày 31-8-2007, công ty Crypton Future Media của Nhật trình làng một giọng
ca trẻ, Hatsune Miku, 17 tuổi. Chỉ trong 12 ngày đầu phát hành, gần 30.000 bản đã
được bán ra, một con số bất ngờ đối với chính của Crypton Future Media. Cuối năm
đó, Amazon.co.jp thông báo doanh thu của Hatsune đạt hơn 57 triệu yên, trở
thành mặt hàng chạy nhất của Amazon. Và Hatsune Miku tiếp tục trở thành thần tượng
mãi cho đến tận bây giờ…
Những con số ấn tượng
về Hatsune Miku
Tính đến năm 2018, theo thống kê của Brett King trong
Augmented:
-
Hatsune Miku có hơn 100 ngàn bài hát đã được phát hành,
một triệu rưỡi video trên YouTube và hơn một triệu tác phẩm hội họa từ người hâm
mộ.
-
Hatsune Miku có một điệu nhảy gây sốt của riêng mình với
tên MikuMikuDance (MMD)
-
Viện nghiên cứu Nomura ước tính rằng kể từ khi ra mắt tháng
8-2007 đến tháng 3-2012, Hatsune Miku đã mang về hơn 10 ngàn tỷ yên doanh thu
(khoảng 130 tỷ USD). Doanh thu này bao gồm cả những sản phẩm phái sinh từ đĩa
nhạc Hatsune Miku như game, video quảng cáo, vật dụng lưu niệm,…
-
Hatsune Miku có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn tổng số của
2 ngôi sao thể thao là Tiger Woods và Michael Jordan cộng lại.
-
Hatsune Miku có hơn 2,5 triệu người hâm mộ trên
Facebook.
-
Hatsune Miku đã biểu diễn hơn 30 show ca nhạc cháy vé trên
khắp thế giới, tại Los Angeles, New York, Đài Bắc, Hong Kong, Singapore, Tokyo,
Vancouver, Washington và gần đây nhất là hát cùng với Lady Gaga.
Điều đáng nói là khi Hatsune Miku xuất hiện lần đầu năm 2007
thì cô mới 17 tuổi, đến nay sau 13 năm cô cũng chỉ mới… 17 tuổi thôi!
Hatsune Miku là ai?
Hatsune Miku. Ảnh:
vocaloid.fandom.com
Nếu Hatsune Miku là một nữ ca sĩ nổi tiếng thì bài viết về cô
sẽ xuất hiện ở trang Văn hóa – Văn nghệ, nhưng… Hatsune Miku không hề có thật!
Cô chỉ là một người ảo, một sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ mà thôi. Đó là lý
do vì sao Hatsune Miku lại xuất hiện ở trang Công nghệ này.
Miku khởi đầu là một phần mềm tổng hợp giọng nói do công ty
Crypton Future Media của Nhật chế tạo nhờ vào công nghệ Vocaloid của Yamaha. Năm
2007, CEO của Crypton là ông Hiroyuki Itoh cảm thấy phần mềm này cần một hình tượng
– hay thần tượng - để tiếp thị. Ông nhờ đến Kei, họa sĩ vẽ tranh minh họa cho các
tiểu thuyết hình ảnh, để sáng tạo ra một nhân vật thần tượng. Kei đã vẽ nên một
cô gái 17 tuổi, cao 1,57 met, nặng 41 kg. Cô ấy có đôi chân dài, đôi mắt to,
hai bím tóc màu xanh da trời dài gần chấm đất.
Cô gái được đặt tên là Hatsune Miku, được tạo ra bằng cách
ghép các từ tiếng Nhật là “đầu tiên” (hatsu), “âm thanh” (ne), và tương lai (miku).
Ý của Crypton là cô sẽ là “âm thanh đầu tiên đến từ tương lai”. Giọng của
Hatsune Miku được lấy từ diễn viên lồng tiếng Saki Fujita đã qua chỉnh sửa và
chia ra các âm riêng biệt. Các âm này sau đó được điều chỉnh cao độ và trường
độ rồi nối lại thành từ và câu hoàn chỉnh.
Hatsune Miku không được làm thành một tạo vật hữu hình như
robot. Hình ảnh và video về cô được tạo bằng các phần mềm đồ họa. Khi Hatsune
Miku trình diễn trên sân khấu – ví dụ như biểu diễn chung với Lady Gaga – thì hình
ảnh 3 chiều của cô được tạo bằng công nghệ Hologram.
Những suy nghĩ về công nghệ
Hiện tượng Miku cho ta thấy rằng một ngôi sao nhạc trẻ không
nhất thiết phải là con người. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm do máy tính tạo
ra đạt được mức độ phổ biến như vậy trên toàn thế giới. Trước nay ta vẫn có những
nhân vật hoạt hình, nhân vật hư cấu và siêu anh hùng truyện tranh được phổ biến
rộng rãi, nhưng đây là lần đầu tiên một hiện thân (avatar) hoàn toàn ảo (và không
hoàn toàn giống người) tiến ra thế giới thật để cạnh tranh cùng con người.
Hình tượng Hatsune Miku gợi cho ta một hình tượng tương đồng
đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong thời đại 4.0: Trợ lý ảo. Trợ lý ảo là
một phần mềm có khả năng thực hiện các tác vụ hoặc dịch vụ cho cá nhân người sử
dụng. Hiện nay, trên chiếc điện thoại thông minh của bạn đang có sẵn trợ lý ảo sẵn
sàng thực hiện công việc theo yêu cầu của bạn hay trò chuyện cùng bạn. Trên điện
thoại dùng hệ điều hành iOS đó là Apple Siri, trên điện thoại dùng hệ điều hành
Android đó là Google Assistant. Trên máy tính cá nhân dùng hệ điều hành
Microsoft đó là Microsoft Cortana. Ngoài ra còn có trợ lý ảo Amazon Alexa của Amazon,
trợ lý ảo M của Facebook…
Nếu Hatsune Miku có thể hát hay, múa giỏi cho bạn nghe và
xem thì các trợ lý ảo của riêng bạn lại có thể làm giúp cho bạn rất nhiều công
việc thường ngày: đặt chuông báo thức, giải đáp thắc mắc, đặt chỗ khách sạn,
mua vé xem phim… và nhất là có thể “chiều ý” bạn tốt hơn hẳn Hatsune Miku.
Các hãng công nghệ vẫn đang ra sức cải tiến các trợ lý ảo của
mình để “hiểu” người sử dụng tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn, bên cạnh đó những
công nghệ cốt lõi của thời đại 4.0 như IoT (Internet vạn vật), big data (dữ liệu
lớn), AI (trí tuệ nhân tạo)… vẫn liên tục phát triển sẽ khiến chung quanh chúng
ta các trợ lý ảo ngày càng nhiều hơn, hiểu chúng ta hơn, giải quyết giúp chúng
ta nhiều việc hơn. Sẽ đến một ngày con người không thể sống thiếu trợ lý ảo, và
biết đâu chúng ta sẽ yêu quý trợ lý ảo của mình như bây giờ hàng triệu người đang
yêu quý thần tượng Hatsune Miku!
Câu chuyện về “Thung lũng kỳ dị”
Năm 1970, giáo sư người Nhật Mashiro Mori thuộc viện Công
nghệ Tokyo đã xuất bản một bài báo nói về “Uncanny Valley” (thung lũng kỳ dị).
Sau 50 năm, đây vẫn là một trong những tiểu luận có ảnh hưởng nhất về công nghệ
robot. Nội dung chính của giả thuyết “Thung lũng kỳ dị” như sau: Robot giống
người là điều rất thú vị, nhưng khi phải đối mặt với một robot quá giống con
người, chúng ta lại cảm thấy sợ.
Giải thích cụ thể hơn về hiệu ứng “Thung lũng kỳ dị” như thế
này: Khi một cái gì đó không phải con người, nhưng có một số nét giống hoặc gần
gũi với con người, thì ta sẽ thấy yêu thích. Mức độ yêu thích sẽ càng tăng lên
nếu tạo vật ấy giống người hơn. Ví dụ: một đứa bé sẽ yêu thích theo mức độ tăng
lên dần như sau: gấu bông, búp bê hình người, búp bê hình người biết cử động và
biết nói… Thế nhưng nếu tạo vật ấy trở nên quá giống người, nhưng lại không
hoàn hảo 100%, mà vẫn có những dấu vết không phải người, thì chúng ta lại cảm
thấy hoảng sợ. Chỉ đến khi robot ấy giống người 100% - nghĩa là giống người đến
mức ta không biết đó là robot – thì sự yêu mến sẽ tăng cao trở lại.
Mashiro Mori thể hiện giả thuyết trên bằng biểu đồ sau,
trong đó phẩn trũng xuống của đồ thị là “Thung lũng kỳ dị”
Đồ thị về Thung lũng kỳ
dị. Nguồn đồ thị gốc: W.Disney/Everett/Rex Features. Chuyển ngữ: P.H. Nhân
Liên hệ lại với Hatsune Miku và các trợ lý ảo chúng ta thấy
thế nào? Họ có quá giống người và rơi vào “Thung lũng kỳ dị” không?
Nghiên cứu hiện đại cho thấy chúng ta chỉ gặp vấn đề “Thung
lũng kỳ dị” đối với các robot hữu hình chứ không bị ảnh hưởng bởi các tương tác
bằng giọng nói. Trường hợp Hatsune Miku chúng ta tương tác chủ yếu bằng giọng hát
và kế đến là hình ảnh chứ không phải bằng cơ thể sống có da thịt. Các trợ lý ảo
tương tác với chúng ta chủ yếu qua giọng nói và biểu tượng trên màn hình. Chính
vì vậy, chúng ta không “sợ” các nhân vật ảo của mình.
Trên thực tế, các đại diện ảo hiếm khi có hình dạng cụ thể.
Trong tương lai, hầu hết chúng ta (hoặc thế hệ con cháu chúng ta) sẽ sống với một
đại diện hoàn toàn ảo, vô hình nhưng đại diện ấy sẽ hoàn toàn hiểu chúng ta, giúp
chúng ta trong nhiều việc, trò chuyện cùng chúng ta. Khi ấy, các trợ lý ảo, đại
diện ảo, hay avatar không chỉ nắm bắt tâm trí mà có thể chiếm giữ cả trái tim của
chúng ta nữa. Hiện giờ đây chỉ là chuyện viễn tưởng, nhưng hoàn toàn có thể xảy
ra, như hàng triệu người đã yêu quý Hatsune Miku đó thôi!
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 14/05/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét