Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng


Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay đến trong bối cảnh thiếu nhi tiếp xúc với môi trường mạng nhiều hơn bao giờ hết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng là lúc bộ Thông tin & Truyền thông (TT-TT) đang tích cực xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025” với sự phối hợp của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF).

Khẩn trương đưa ra quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Ngày 10-3-2020, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đã tiếp bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam. Tại cuộc gặp này, bà Rana Flowers bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến nỗ lực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, UNICEF rất mong muốn hợp tác với Bộ TT&TT trong việc đưa  ra các quy định chặt chẽ đối với các công ty cung cấp dịch vụ Internet và các công ty công nghệ trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ban hành các hướng dẫn giúp các bậc phụ huynh giúp con sử dụng Internet một cách an toàn, cách ứng xử khi con bị xâm hại, bắt nạt trên không gian mạng.


Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Chính phủ luôn quan tâm và dành những điều tốt nhất cho trẻ em, về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục An toàn Thông tin (ATTT) của Bộ đang được giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thứ trưởng Bộ TT-TT bày tỏ mong muốn UNICEF hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp xây dựng đề án này.

Ngày 28-4, Bộ trưởng TT-TT đã ký Quyết định số 746/QĐ-BTTTT về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, Thứ trưởng TT-TT Nguyễn Thành Hưng là Trưởng Ban soạn thảo Đề án, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục ATTT là Thành viên thường trực. Các thành viên của Ban soạn thảo gồm có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, và đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ TT-TT.

Ngày 7-5, Bộ TT-TT đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án.

Ngày 28-5, Bộ TT-TT phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6-2020.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội thảo. Nguồn: ICTNews

Trẻ em là thế hệ đón nhận nhanh nhất và chịu tác động mạnh nhất từ không gian mạng

Tại hội thảo ngày 28-5, Thứ trưởng bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Trẻ em là thế hệ đón nhận nhanh nhất và đồng thời, chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và Internet, đặc biệt khi công nghệ, Internet đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống”.

Số liệu năm 2019 của UNICEF và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) cho thấy, hiện nay thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi và cứ 3 người truy cập Internet thì có 1 trẻ em. Việt Nam hiện có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, trên môi trường mạng,hiện  còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Xây dựng “Bộ kỹ năng số” cho trẻ em là giải pháp quan trọng của Đề án

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, đề án được xây dựng nhằm hai mục đích: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng, thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Đáng chú ý, “Bộ kỹ năng số” được đề xuất với  mục tiêu trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại. Đồng thời, giải pháp về xây dựng nội dung bổ ích, thú vị được đề xuất nhằm xây dựng môi trường Internet lành mạnh, thu hút trẻ em cho những hoạt động tích cực.

Song song với việc ứng dụng công nghệ, Đề án tiếp tục các giải pháp truyền thống gồm có: hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức...

Thái Thư (tổng hợp)
Báo Đồng Nai - 01/06/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét