Bộ Công thương vừa ban hành thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014,
trong đó quy định các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook phải
đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử và
đóng thuế, bắt đầu từ ngày 20/01/2015. Thông tin này tạo nên nhiều ý kiến, phản
ứng trong cộng đồg những người sử dụng Facebook làm phương tiện bán hàng.
Nội dung của thông tư
47/2014/TT-BCT
Ngày 20/06/2013, Bộ Công thương đã có thông tư số 12/2013/TT-BCT
quy định các website thương mại điện tử phải đăng ký và công bố thông tin với
Bộ Công thương, và điều này đã được thực hiện nghiêm túc hơn một năm qua. Tuy
nhiên thông tư này không đề cập đến mạng xã hội và những cá nhân kinh doanh
trên mạng xã hội.
Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 được ban hành nhằm bổ
sung và sửa chữa một số điều khoản của thông tư 12/2013/TT-BCT, trong đó có
điều khoản đề cập đến hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Toàn văn điều
khoản ấy như sau:
Điều 6: Quản lý hoạt
động kinh doanh trên mạng xã hội
1.
Các
mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động quy định tại điểm a, điểm b,
điểm c khoản 2 điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP phải tiến hành đăng ký với Bộ
Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.
2.
Thương
nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội quy định tại khoản 1 điều này phải thực
hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch
thương mại điện tử theo quy định của pháp luật.
3.
Người
bán trên các mạng xã hội quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ những quy
định tại điều 37 Nghị định số
52/2013/NĐ-CP.
Như vậy, ngoài trách nhiệm của thương nhân, tổ chức thiết
lập mạng xã hội thì cá nhân người bán trên các mạng ấy cũng chịu những biện
pháp chế tài của pháp luật!
Tình hình kinh doanh
trên Facebook hiện nay
Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo ước đoán
của nhiều người số lượng trang Facebook cá nhân có kinh doanh lên tới hàng
triệu.
Sở dĩ con số này lớn đến thế vì việc tạo một trang trên
Facebook là miễn phí và quá dễ dàng.
Có thể tạm phân ra 2 loại là trang Facebook cá nhân và trang
Facebook nhóm. Trang Facebook cá nhân thì bên cạnh những thông tin đời thường
vẫn đưa lên, chủ nhân còn đưa tin rao bán món này món nọ cho bạn bè (qua mạng)
để cải thiện thu nhập. Trang web nhóm thì do một hoặc nhiều người cùng tham gia
và cùng chào bán nhiều món hàng, gần giống như một cái chợ - hay là một sàn
giao dịch thương mại điện tử.
Các trang Facebook cá nhân có kinh doanh chiếm số lượng rất
lớn, thậm chí có thể có những trang chỉ là trang thông tin những nội dung riêng
tư nhưng rồi lại đăng lên nhiều thông tin rao bán (rất nghiệp dư). Các trang
này thường do nhân viên công sở, sinh viên… tạo nên để tranh thủ thời gian bán
hàng, kiếm thêm thu nhập. Những mặt hàng bán ở loại trang này khá đơn giản như:
hàng mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài về, quần áo may sẵn, đồ thủ công mỹ nghệ tự
tạo, sách cũ… Có một số trang kinh doanh tốt, thu nhập khá cao, tuy nhiên hầu
hết đều là… cho vui, có đồng ra đồng vào.
Một trang Facebook cá
nhân chào bán quần áo may sẵn
Các trang Facebook nhóm thì tạo nên một thị trường kinh
doanh thương mại điện tử khá hỗn độn và khó mà biết được họ kinh doanh lớn nhỏ
thế nào, chất lượng tốt xấu ra sao, vì cho đến giờ vẫn chưa hề có cơ chế quản
lý nào cả.
Có nên và có thể quản
lý không?
Có kinh doanh, có thu lợi nhuận thì đương nhiên phải có
nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc quản lý các
“cửa hàng” buôn bán trên Facebook còn giúp bảo vệ người mua, làm tăng uy tín
người bán. Do đó việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội là việc nên
làm. Tuy nhiên…
Như đã nêu trên, nhiều người bán hàng trên Facebook là sinh
viên thất nghiệp kiếm thu nhập thêm, hay nhân viên công sở làm tay trái. Những
đối tượng này rất hoang mang trước quy định mới của thông tư. Thứ nhất là với
đặc điểm kinh doanh như vậy, họ không biết phải đăng ký thông tin như thế nào.
Thứ hai là với mức độ kinh doanh nhỏ thu nhập chẳng là bao, mang tính nghiệp
dư, thời gian quản lý không nhiều mà nay lại phải đăng ký, phải nộp thuế thì
phiền phức quá. Đa số những đối tượng này đều có suy nghĩ nếu quản lý chặt, nếu
phải nộp thuế… thì thôi đành bỏ, không kinh doanh qua mạng xã hội nữa.
Ngược lại, đối với một số trang Facebook dạng nhóm tổ chức
có quy mô thì cơ quan chức năng khó lòng quản lý họ được. Rất nhiều trang này
thông tin liên lạc chỉ có số điện thoại mà không có địa chỉ cụ thể, tên người
chịu trách nhiệm… do đó làm sao quản? Cũng không thể buộc Facebook phải yêu cầu
người lập trang khai báo đầy đủ thông tin, vì Facebook là một công ty toàn cầu,
không bị chế tài bởi luật về thương mại điện tử của Việt Nam. Có chăng là… chặn
Facebook tại Việt Nam, nhưng đây lại là chuyện lớn và không thể được.
Ý kiến của các cơ
quan chức năng
Bà Lại Việt Anh, cục phó Cục Thương mại điện tử và công nghệ
thông tin (Bộ Công thương), cho biết: chỉ thương nhân nào dùng mạng xã hội
nhưng dưới dạng sàn giao dịch thương mại điện tử mới phải đăng ký. Như vậy có
nghĩa chỉ những thương nhân dùng mạng xã hội và trang đó cho phép người tham
gia được mở các gian hàng để trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; hoặc cho
phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ... mới phải đăng ký và
thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Về phía bộ Tài chính, quan điểm của lãnh đạo Bộ là ủng hộ
Thông tư của Bộ Công thương nhưng cũng thừa nhận là việc quản lý và thu thuế
của những cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội là cực kỳ khó khăn. Vừa chưa có
những quy định cụ thể, vừa chưa có những biện pháp quản lý.
Chỉ còn hơn một tháng nữa thông tư 47/2014/TT-BCT sẽ có hiệu
lực thi hành. Có lẽ sẽ có rất nhiều khó khăn, lúng túng cho cả hai phía: Bộ
công thương và những cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội. Để thực hiện tốt việc
quản lý này, không chỉ ngành Công thương mà cả ngành Thông tin & Truyền
thông, ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán cùng ngành thuế phải có sự
phối hợp chặt chẽ với nhau.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 15/12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét