Ngày 25-7-2016, tạp chí Forbes giật một cái tít đầy chua xót: “Yahoo
được bán cho Verizon với giá 5 tỷ USD trong một thương vụ buồn thảm nhất lịch
sử công nghệ”. CNN đưa tin một cách điềm tĩnh hơn: “Những ngày mà Yahoo còn là
một công ty độc lập đã qua rồi!”. Vào ngày ấy, công ty Yahoo lừng lẫy một thời
đã được bán lại cho Verizon Communications với giá 4,83 tỷ USD.
Thương vụ Verizon mua
Yahoo
Verizon Communications là công ty viễn thông hàng đầu của
Mỹ. Năm ngoái công ty này đã thâu tóm AOL – một người khổng lồ trong lĩnh vực
truyền thông kỹ thuật số - với giá 4,4 tỷ USD. Thông tin công bố sáng thứ Hai
25-7 cho biết Yahoo được Verizon Communications mua lại với giá gần 4,83 tỷ USD
bằng tiền mặt, bao gồm mảng kinh doanh Internet - mảng kinh doanh lõi của
Yahoo với những thương hiệu đã trở nên kinh điển như Yahoo Mail, Fantasy
Sports, trang lưu trữ ảnh Flickr, công cụ tìm kiếm Yahoo cùng với công nghệ
quảng cáo của Yahoo. Thỏa thuận này không bao gồm cổ phần đáng giá của Yahoo
tại hãng Alibaba của Trung Quốc. Thông tin cho biết thêm là Yahoo sẽ được kết
hợp cùng AOL, với hy vọng sẽ trở thành đối thủ xứng tầm của Google và Facebook.
Được gọi là bi thảm cho Yahoo bởi giá cả của thương vụ mới
thấp hơn nhiều so với mức 44 tỷ USD mà Microsoft chào mời Yahoo hồi 2008, và
càng thấp nếu so với giá trị của hãng thời bùng nổ các công ty công nghệ thông
tin (khoảng năm 2000), được cho là ở mức 125 tỷ USD.
Một thời vinh quang
Yahoo được hai cử nhân tốt nghiệp đại học Stanford là Jerry
Yang và David Filo sáng lập vào năm 1995, với khởi đầu là một công ty “danh mục
chỉ dẫn dành cho Internet”. Yahoo đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ
cập Internet tới người dùng phổ thông, hướng dẫn họ cách lướt net để đọc tin
tức, xem thể thao và giải trí.
Người dùng Internet cách đây hơn một thập kỷ không thể không
biết tới Yahoo, một tên tuổi nổi bật trên Internet như Facebook hoặc Google bây
giờ, thậm chí còn hơn thế nữa. Đối với người dùng Internet trên thế giới và ở
Việt Nam lúc ấy Yahoo gần như đồng nghĩa với Internet, mở Internet lên là vào
Yahoo. Đọc tin tức: có Yahoo News. Tìm kiếm: có Yahoo Search. Gửi mail: có
Yahoo Mail. Nhắn tin: có Yahoo Messenger. Tạo blog: có Yahoo 360°. Tất
cả những gì người dùng cần trên Internet đều có Yahoo cung cấp, và gần như là
duy nhất. Thời hoàng kim của Yahoo khoảng cuối những năm 1990 và đầu những năm
2000, khi ấy Google mới chập chững bước vào Internet còn Facebook vẫn chưa ra
đời.
Năm 2002, chính Yahoo đã không thèm quan tâm và bỏ qua cơ
hội mua đứt Google. Năm 2006, cũng lại Yahoo không thèm mua Facebook với giá 1
tỷ USD (hiện nay giá của Facebook được ước lượng là 500 tỷ USD!).
Rồi thời thế dần thay đổi, bây giờ để đọc tin tức người ta
có vô số phương tiện, nhắn tin cũng vậy, tìm kiếm và gởi mail thì đã có Google.
Rồi đến mạng xã hội có Facebook làm bá chủ, bên cạnh đó có Google Plus,
LinkedIn…, Yahoo không hề có chỗ đứng.
Vì đâu nên nổi?
Reuters đã thực hiện phỏng vấn với nhiều cựu lãnh đạo Yahoo,
họ đều đồng ý rằng sự suy yếu của Yahoo là do các lựa chọn của cả lãnh đạo và
hội đồng quản trị công ty trong giai đoạn đỉnh cao giữa những năm 2000. Họ đã
bỏ lỡ nhiều cơ hội khá rõ ràng: mua Facebook năm 2006, mua Google năm 2002 (2
công ty này vẫn tồn tại và lớn mạnh bậc nhất thế giới hiện giờ). Yahoo cũng
không kịp mua YouTube (Google đã mua), hay mua Skype (eBay đã mua).
Ở chiều ngược lại, khi Yahoo đã trở nên suy yếu, năm 2008
Microsoft đề nghị mua Yahoo với giá 45 tỷ USD, nhưng đã bị lãnh đạo Yahoo từ
chối. Chính điều này đã tạo nên sự bất đồng lớn trong đội ngũ lãnh đạo Yahoo,
ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của công ty.
Ngoài các thương vụ bị bỏ lỡ, văn hóa công ty quá quan liêu
và tập trung vào hình thức quảng cáo truyền thống, trong bối cảnh công nghệ
biến đổi nhanh chóng, cũng là một nguyên nhân. Greg Cohn - cựu giám đốc sản
phẩm cấp cao của Yahoo nói: “Nếu anh tạo ra một sản phẩm mới, nhưng trang chủ
không muốn tích hợp nó, anh sẽ bị từ chối”
Một trong những vấn đề của Yahoo là họ kiếm tiền bằng cách
bán quảng cáo, giống y như cách các tờ báo in tồn tại vậy. Vì họ cho rằng mình
là công ty truyền thông, chứ không phải hãng phần mềm. Họ kiếm tiền bằng quảng
cáo, thay vì bán phần mềm.
Theo Paul Graham - đồng sáng lập hãng hỗ trợ khởi nghiệp
Y-Combinator, với văn phòng đầy các lập trình viên và các giám đốc sản phẩm
luôn nghĩ về tính năng hỗ trợ người dùng, Yahoo lẽ ra phải là một hãng phần
mềm. Ông nói: "Hậu quả tồi tệ nhất của việc cố trở thành một hãng truyền
thông chính là họ không coi trọng việc lập trình. Microsoft, Google và Facebook
đều có văn hóa chú trọng vào lập trình. Còn Yahoo thì chỉ coi đó như một loại
hàng hóa".
Verizon mua Yahoo để
làm gì?
Verizon mua Yahoo không phải để… sưu tập đồ cổ, tổng giám
đốc Verizon Lowell McAdam nói: “Việc mua lại Yahoo sẽ giúp Verizon có được vị
trí cực kỳ cạnh tranh trên bản đồ truyền thông di động toàn cầu, cũng như giúp
tăng tốc nguồn thu từ quảng cáo số”. Hiện tại, theo số liệu từ eMarketer, Google
và Facebook đã kiểm soát tới 43% tổng doanh thu quảng cáo số toàn cầu, trong
khi Yahoo đứng thứ 7 với chỉ 1,5% thị phần. Sau khi thâu tóm Yahoo, Verizon sẽ sở hữu công
nghệ quảng cáo của Yahoo. Verizon hiện có 112.6 triệu thuê bao di động và điều
này có thể giúp Yahoo củng cố các nỗ lực phát triển ứng dụng di động của mình.
Đây có phải là một thương vụ thành công của Verizon hay
không, thời gian sẽ trả lời. Riêng đối với những người dùng Internet tại Việt
Nam, vốn đã quá quen thuộc với những sản phẩm mang thương hiệu Yahoo suốt hơn
một thập niên qua – cho dù cũng đã nhiều năm không dùng đến chúng nữa – thì với
sự biến mất của tên tuổi này cũng có thoáng chút bùi ngùi.
Thái Thư
LĐĐN - 01/08/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét