Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Văn hóa ứng xử trên Facebook

Gần đây, dư luận trên mạng xã hội Facebook bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của bà tiến sĩ văn học Đoàn Hương. Rất nhiều lời lẽ mang tính miệt thị, mỉa mai hoặc phê phán nặng lời khi họ cho rằng bà đã nói “Chỉ những kẻ vô công rồi nghề mới chơi Facebook!”. Sự việc này là như thế nào?

Phát biểu của TS văn học Đoàn Hương

Tiến sĩ văn học Đoàn Hương là khách mời trong chương trình Cà phê sáng với VTV3 ngày 23/9, tại đây bà đã chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm về chủ đề “vạ miệng” cũng như văn hóa ứng xử trên mạng xã hội Facebook. Có vẻ như phần lớn những phê phán về câu nói của bà đều dựa vào đoạn trích dẫn từ một nguồn khác chứ không trực tiếp xem clip chương trình để thấy rõ ngữ cảnh của câu nói, và lại càng không biết gì về bà Đoàn Hương (với những câu nhận xét kiểu như “Bà này là ai mà…”). Vì vậy xin được tóm tắt một chút nội dung cuộc trao đổi.

TS Đoàn Hương trong chương trình Café Sáng với VTV3


Bà Đoàn Hương nêu hiện trạng là nhiều câu nói bị cắt cúp rồi đưa lên mạng, khiến người đọc hiểu sai về hoàn cảnh phát sinh câu nói ấy và làm cho người nói bị “vạ miệng”. Bà cho rằng ở Việt Nam chưa có văn hóa Facebook và văn hóa mạng. Các trường phổ thông ở Việt Nam cũng chưa dạy học sinh điều ấy, bởi vậy, không ít người coi Facebook là một nơi để giấu mặt, “ném đá” vào người khác và làm tổn thương bất kỳ ai.

Đến đây, người dẫn chương trình nêu lên ý kiến rằng một nguyên nhân của tình trạng “ném đá” là bởi người dùng có quá nhiều thời gian rãnh rỗi. Bà Đoàn Hương đồng ý và tiếp lời rằng: “Theo tổng kết thì 50% trên Facebook là vô công rồi nghề”. Những người bận rộn sẽ không có thời gian vào Facebook để “thích cái này, thích cái kia”. Tuy nhiên, ngoài sự rảnh rỗi, nguyên nhân của việc “vạ miệng” trên Facebook còn xuất phát từ văn hóa ứng xử của người dùng. Bà cho rằng trong tương lai sẽ có luật để xử lý những hành vi xúc phạm, vu vạ người khác hay ứng xử không văn hóa trên Facebook và mạng.

Câu “50% trên Facebook là vô công rồi nghề” được tách ra riêng, rồi thậm chí bị cắt cúp thành “những người chơi Facebook là vô công rồi nghề”, đã tạo nên cơn bão dư luận (những người chơi Facebook) lên án bà tiến sĩ!

Khách quan nhận xét, tiến sĩ Đoàn Hương có 2 sơ suất trong bài nói chuyện này. Thứ nhất, con số “50% người chơi Facebook là người vô công rồi nghề” mà bà nêu ra là không có cơ sở. Cho tới giờ chưa thấy có công trình thống kê nào, cả ở Việt Nam lẫn thế giới cho ra con số đó cả, có lẽ bà phát biểu chỉ theo cảm tính mà thôi. Thứ hai là cách diễn đạt của bà dễ gây bức xúc cho những người đang chơi Facebook vì có cảm giác bị vơ vào cái “50% vô công rồi nghề” đó! Vô hình chung, trong buổi nói chuyện, bà muốn xây dựng văn hóa sử dụng và văn hóa quản lý Facebook để tránh nạn “vạ miệng” xảy ra, thì chính bà là một nạn nhân của tình trạng “vạ miệng” ấy!

Về phía người dùng Facebook, phản ứng quá nhạy với thông tin được đưa ra chưa đầy đủ nên có những phê phán hơi quá đà, lại rơi vào vòng xoáy của dư luận thường xuyên “ném đá”, gây tổn thương cho người khác – đúng như hiện trạng mà nội dung buổi trao đổi này đề cập tới.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng không thoát

Cách đây ít lâu, giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề học chữ Hán trong trường phổ thông, phóng viên VnExpress đã - không hiểu ý hay cố tình tạo sốc để câu view – nên đưa tin lên mạng đã làm sai lệch hoàn toàn ý của ông. Cộng đồng mạng lại nhanh nhẩu chộp lấy câu nói ấy trong bài báo, tách ra thành nội dung riêng và phê phán giáo sư không tiếc lời!

Quá bức xúc, giáo sư Ngô Bảo Châu đã đăng lên Facebook ý kiến chính thức của mình. Ông cũng đề nghị VnExpress rút ngay bài báo đó xuống và tuyên bố từ giờ trở về sau không bao giờ trả lời phỏng vấn của phóng viên VnExpress nữa.

Sau phản ứng của giáo sư Châu, VnExpress đã rút bài, báo Lao Động đã sửa tít, và ông đã bày tỏ sự thông cảm qua trang Facebook của mình. Vụ việc như vậy là ổn, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là: nếu nhân vật bị “vạ miệng” không phải là người mà sự phản ứng “có trọng lượng” như giáo sư Ngô Bảo Châu thì sự việc sẽ đi đến đâu?


Báo chí loan tin phiến diện, không chính xác

Một sự kiện mới xảy ra là vụ truy sát làm chết và bị thương một số người ở chùa Bửu Quang, Thủ Đức. Những bản tin ban đầu của báo chí nêu là: Sư thầy (hay Nhà sư) tu ở chùa Bửu Quang giết người, hoặc chụp ảnh hung thủ (rất hung tợn) với ghi chú “Kẻ ác tâm mang áo cà sa”…

Những thông tin và từ ngữ mang tính chất “câu view” ấy gây phẫn nộ dư luận và tạo nên các lời bình luận có phần độc ác trên Facebook đối với Phật giáo nói chung và chư tăng ni chùa Bửu Quang nói riêng. Trên thực tế, nhà báo có lẽ vì thiếu thông tin và cả sự hiểu biết về Phật giáo nên đã đưa tin không đúng sự thật. Hung thủ sinh năm 1995, chỉ mới được gia đình cho đi tu tập ở chùa vài tháng cho nên không thể là nhà sư hay sư thầy. Dùng chữ “áo cà sa” lại càng là sai lầm khủng khiếp vì cà sa là trang phục chỉ dành cho các bậc trưởng thượng tu hành mà thôi.

Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, thông qua mạng xã hội và các trang mạng khác, người dùng hoàn toàn có thể tham gia ý kiến của mình vào nhiều sự kiện khác nhau, và chính những ý kiến ấy sẽ tác động đến dòng truyền thông chung. Trong tình hình ấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên Facebook nói riêng và Internet nói chung như chương trình Cà phê Sáng với VTV3 đã nêu là cần thiết, tiếc rằng chương trình chưa đạt được mục đích như mong muốn.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 10/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét