Ngày 27-10-2016, tờ báo công nghệ online nổi tiếng Tech In Asia đưa tin
một tập đoàn công nghệ nước ngoài đã chi ra hàng triệu USD để mua một công ty
mới khởi nghiệp ở Việt Nam được hơn một năm: Big Cat Entertainment
Về Big Cat
Entertainment
Cái tên Big Cat Entertainment có thể khá xa lạ với nhiều
người, thế nhưng nhắc đến tên những kênh YouTube như Ghiền Mì Gõ, FAP TV… thì
sẽ rất nhiều người biết, vì mỗi kênh có đến hàng triệu lượt người theo dõi. Big
Cat Entertainment chính là công ty sở hữu những kênh YouTube đó.
Kênh YouTube FAB TV
của Big Cat Entertainment
Big Cat Entertainment là tên giao dịch, còn theo hồ sơ đăng
ký kinh doanh thì tên đơn vị này là: Công ty TNHH Giải trí Truyền thông Big
Cat, có địa chỉ tại 65 Yên Đỗ, phường 14, quận Bình Thạnh,TP Hồ Chí Minh, giấy
phép thành lập ngày 24-5-2015.
Ngành nghề kinh doanh của Big Cat khá lạ lẫm nếu bạn đọc
thấy cách nay 5 – 7 năm. Cụ thể đó là:
-
Tạo các video clip hài ngắn để đưa lên YouTube cho
người dùng xem… miễn phí.
-
Quản lý fanpage cho ca sĩ, diễn viên.
Về nội dung thứ nhất, ta biết rằng YouTube hiện là một kênh
video được xem nhiều nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mặc dù người xem
được miễn phí, nhưng với lượt xem cao thì video clip sẽ thu được nhiều tiền
quảng cáo trên đó. Hiện giờ Big Cat sở hữu các kênh YouTube Ghiền Mì Gõ, FAP
TV, phim cấp 3 (tên của kênh này là một trò chơi chữ, người đọc có thể hiểu
nhầm là… phim sex, nhưng thật ra là các video về… học đường, học sinh cấp 3!).
Mỗi kênh (channel) này có lượng người theo dõi (subscriber) rất cao: Ghiền Mì
Gõ có 756.828 subscribers, FAB TV có 1.116.935 subscribers, phim cấp 3 có
525.404 subscribers. Mỗi clip đưa lên có đến vài triệu lượt xem, clip có nhiều
người xem nhất lên đến 50 triệu lượt và đến nay tổng lượt xem các video clip
trên các kênh YouTube của Big Cat đã lên con số hàng tỷ. Với lượt người xem cao
như thế thu nhập từ quảng cáo của Big Cat là một con số không hề nhỏ!
Về nội dung thứ hai, đây là một nhu cầu thật sự. Từ khi mạng
xã hội Facebook được phổ biến rộng, nhiều người dùng thì đây là một kênh truyền
thông hữu hiệu để những người của công chúng (diễn viên, nghệ sĩ…) giao lưu với
người hâm mộ. Những nghệ sĩ này hầu như ai cũng có fanpage của mình để làm cầu
nối với khán giả, tìm hiểu tâm tư, sở thích của họ, thậm chí còn phải tạo sự
kiện online để tạo thêm sự gần gũi với khán giả và… đánh bóng tên tuổi. Nghịch
lý ở chỗ nghệ sĩ càng nổi tiếng thì càng có nhiều fan hâm mộ, mức độ giao lưu
càng phải nhiều hơn mà thời giờ của họ dành cho việc này càng ít đi, chưa kể là
nghệ sĩ thì thường không có nhiều kinh nghiệm sử dụng Facebook. Do vậy, thuê
một đơn vị chuyên nghiệp để quản lý fanpage cho mình là hết sức cần thiết. Đơn
vị này vừa phải có chuyên môn cao về khai thác Facebook, vừa phải có khả năng
làm PR tốt, họ còn phải hiểu về người nghệ sĩ ấy thật sâu để thay mặt nghệ sĩ
trả lời cho fan hâm mộ trên Facebook… y như là nhân vật chính trả lời.
Ai mua Big Cat?
Điều đáng chú ý là thông tin công ty nước ngoài mua lại Big
Cat không phải phát xuất từ Việt Nam mà được đưa tin đầu tiên từ Tech In Asia
là một tờ báo nước ngoài. Theo đó, công ty Asia Innovations Group (AIG) là đơn
vị đã mua lại Big Cat. AIG là công ty Internet di động chuyên phát triển các
sản phẩm giải trí và mạng xã hội. AIG có văn phòng ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt
Nam, Trung Đông, Nhật Bản.
Chi tiết các điều khoản không được công bố, nhưng theo Tech
In Asia dự đoán thì thương vụ này có giá trị 7 con số, tức từ 1 triệu USD trở
lên. Mức giá này bao gồm cả tiền mặt lẫn cổ phần.
Ông Johnny Trí Dũng, đồng sáng lập Big Cat - nói với Tech in
Asia rằng những sản phẩm hiện tại sẽ vẫn hoạt động bình thường sau thương vụ
với AIG. Trên Facebook cá nhân của mình, ông Dũng cho biết thương vụ với AIG sẽ
giúp Big Cat vươn tầm ra khu vực. Với nền tảng tài chính vừa có, cộng với kinh
nghiệm của hai bên, ông Dũng cho biết sẽ có cách để đưa Big Cat ra tầm khu vực.
Cũng theo ông Dũng, Big Cat đã đạt được doanh thu 1,2 triệu
USD trong một năm qua. Công ty cũng đã có lợi nhuận ngay sau 3 tháng hoạt động
đầu tiên. Từ khi thành lập đến nay, công ty chưa từng gọi vốn lần nào.
Ông Dũng bày tỏ sự lạc quan: “AIG có tầm hiểu biết rộng về
các thị trường nội địa nên chắc chắn sẽ giúp được chúng tôi. Thêm vào đó, tư
vấn của họ về tài chính và kinh nghiệm sẽ giúp Big Cat chiến thắng trong cuộc
chơi sản xuất nội dung”
Thương vụ AIG mua lại Big Cat với giá hàng triệu USD cho
thấy tiềm năng rất lớn của những công ty kiếm tiền từ Youtube, mạng xã hội và
là thêm một gợi ý cho các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 31/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét