Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Bụi mù Facebook

Trong những ngày đồng bào miền Trung phải hứng chịu nhiều đau thương mất mát do lũ lụt này, hiệu ứng tích cực của Facebook thể hiện rất rõ nét. Thông qua mạng xã hội, các thành viên Facebook chia sẻ những đau thương của đồng bào cả về tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên Facebook không chỉ có mặt tích cực như vậy…

Trong nỗi đau thương do lũ lụt

Rất nhiều những bài viết, hình ảnh, đường link về tình hình lũ lụt miền Trung được đưa lên Facebook trong những ngày này, giúp nhiều người hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của đồng bào đang gặp thiên tai. Một số cá nhân, tập thể thông qua Facebook phát ra lời kêu gọi đóng góp để hỗ trợ người dân và đã thực hiện những công tác cứu trợ rất thiết thực.

Tiếc thay, bên cạnh những cá nhân, tập thể làm công tác thiện nguyện lại có những trang Facebook lợi dụng sự kiện này để đưa ra những lời kêu gọi đóng góp giả dối, mưu lợi cá nhân.


Lại có những chủ nhân trang web quá khích, cao giọng dạy đời rằng mọi người không được đưa lên Facebook bất cứ nội dung, hình ảnh vui vẻ nào, vì đồng bào đang khổ cực. Họ quên rằng Facebook là nơi để mọi người đưa lên tất cả những vấn đề mà mình quan tâm, những suy tư khác nhau, để chia vui/chia buồn với bạn bè về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Họ quên rằng khi ai đó không đưa lên hình ảnh, nội dung về lũ lụt thì không có nghĩa là họ không quan tâm, mà có thể đang âm thầm có những hành động thiết thực hơn. Họ cũng quên rằng trong môi trường mạng xã hội mọi người đều bình đẳng và họ không hề có quyền trịch thượng phê phán người khác một cách vô căn cứ.

Những hình ảnh về lũ lụt dẫy đầy trên Facebook, tuy nhiên trong đó có những ảnh cũ từ nhiều năm trước và cả ảnh đã qua chỉnh sửa.

Một số người khác lại hành xử đáng trách hơn. Họ tìm ra những tấm ảnh gây nên ấn tượng sâu sắc về tác hại của lũ lụt, nhưng không phải là ảnh thời sự của năm nay mà là của nhiều năm trước, thậm chí ảnh của nước ngoài, rồi đưa lên trang Facebook của mình với những lời nỉ non kể khổ, và thường kèm theo đó là những lời bình hàm ý chê trách, phê phán chính quyền không chăm lo cho người dân. Làm như thế để làm gì? Giới chuyên môn gọi đó là “câu Like”. Tâm lý chung của mọi người là dễ xúc động trước những hoàn cảnh bi thương, dễ căm tức trước những bất công nên nên thường bấm các nút cảm xúc của Facebook (Thích, Buồn, Giận…) để thể hiện cảm xúc của mình mà không cần thẩm tra tính chính xác của thông tin đọc được. Người đăng tin ảo khoái chí vì nội dung của mình được nhiều người Thích, còn bầu không khí của Facebook thì mù mịt giữa tin giả, tin thật và đầy những bức bối vì những bất công không chắc là có thật!

Tệ nạn “Việt Nam, nói là làm”, hay là ma lực của nút “Thích”

Nói đến việc mê cuồng nút “Thích” thì phải nhắc một phong trào khá tệ hại nổi lên trong thời gian gần đây, được gọi tên “Việt Nam, nói là làm!”. Ai đó đưa lên Facebook một nội dung tuyên bố rằng nếu nội dung này đạt được số lượng “Thích” nhất định thì người ấy sẽ làm một chuyện gì đấy, thường là chuyện rất quái gở, theo đúng tinh thần “Nói là làm”.

Tiêu biểu cho nạn “Việt Nam, nói là làm” là 2 sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây:

  1. Trên trang Facebook của mình, một nữ sinh 13 tuổi học lớp 8 trường THCS Phạm Ngũ Lão (Ninh Hòa, Khánh Hòa), đã đăng lên lời hứa sẽ… châm lửa đốt trường nếu nội dung này đủ 1.000 like (Thích). Thế rồi nội dung ấy có đủ 1.000 like và cô bé giữ đúng lời hứa “nói là làm” bằng cách mang xăng đi đốt trường. Nhiều bạn bè đi theo để chứng kiến và quay clip tung lên mạng để làm bằng chứng cho việc thực hiện “lời hứa” này. 8g ngày 9-10-2016, cô bé đã mang nửa lít xăng tới phòng y tế trường, đổ ra và châm lửa đốt cho bạn bè quay phim. May mắn sau đó lửa đã được dập tắt. Riêng cô bé đốt trường bị cháy xém tóc và bỏng nhẹ hai chân
  2. Trước đó, đêm 20-9, cư dân mạng liên tục chia sẻ clip một nam thanh niên tự tẩm xăng châm lửa đốt và nhảy xuống nước của một nam thanh niên có tên N.T. Thanh niên này đã đăng một bức hình lên Facebook với thách thức như sau: “Bức hình này đủ 40.000 like tôi đổ xăng từ trên người xuống rồi lấy hột quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”. Chỉ sau một ngày con số 40.000 like đã vượt qua và anh chàng “nói là làm” thực hiện ngay lời hứa của mình!
Đây chỉ là 2 vụ gây xôn xao dư luận, những hành động tương tự hưởng ứng phong trào “Việt Nam, nói là làm” rất nhiều, như: đủ 10.000 like thì sẽ cởi áo, đủ 5.000 like sẽ đánh ai đó… Hầu hết những “lời hứa” này đều là thực hiện những việc quái gở, có hại cho bản thân hoặc xã hội và không mang lại ý nghĩa gì!

Những hành động này cho thấy một sự lệch lạc tâm lý rất nguy hiểm và nhìn chung mọi người đều trách cứ và lên án những cá nhân thực hiện hành động như vậy. Tuy nhiên, phải thấy rằng lỗi không chỉ thuộc cá nhân thực hiện chuyện “nói là làm”, mà lỗi rất lớn còn thuộc về hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã bấm Like cho hành động ấy. Nếu mọi người đều nhận thấy rằng đó là lời hứa bậy bạ, là việc không nên làm thì tại sao lại bấm Like? Những người bấm Like chính là những đồng phạm thúc đẩy tội lỗi xảy ra, bởi vì nếu không có những cú bấm Like của họ thì nhân vật chính đã không có đủ số like cần thiết để thực hiện hành động rồ dại!

Mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu giúp ta kết nối các mối quan hệ, truyền đạt và nắm bắt những thông tin hữu ích, đó là các điểm sáng. Nhưng mạng xã hội cũng có những đám bụi mù mà ta cần tỉnh táo nhận ra để đừng phát tán chúng ra bầu không khí xung quanh.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 24/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét