Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

4, đến 3, rồi lại 5

Bạn ngồi làm việc là sẽ bật máy tính lên với hệ điều hành Windows và bộ Office của Microsoft, bạn tìm kiếm thông tin hay cần chỉ đường thì sẽ sử dụng đến Google, bạn muốn giao tiếp với xã hội thì thông qua Facebook… Gần như toàn bộ các hoạt động của mọi người trên thế giới đều bị chi phối bởi một vài đại gia công nghệ. Đó là những công ty công nghệ nào? 3, 4, hay 5 công ty?

Bộ tứ quyền lực

Năm 2017, Scott Galloway cho ra mắt tác phẩm The Four (Bộ Tứ) nói về 4 đại gia công nghệ mà theo ông “suốt 20 năm qua đã truyền khá nhiều cảm hứng cho chúng ta, từ niềm vui, kết nối bạn bè, sự giàu có và cả khám phá những điều mới mẻ, nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử nhân loại”. 4 đại gia đó là Apple, Amazon, Facebook Google. Quyển sách nhanh chóng lọt vào danh sách Best Seller của New York Times. Tóm tắt đánh giá của Galloway về 4 đại gia công nghệ đó như sau:

Amazon chưa thâm nhập sâu vào Việt Nam nên chúng ta chưa thấy hết tác động to lớn của nó đối với ngành mua bán lẻ, nhưng ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới tầm ảnh hưởng của Amazon vô cùng sâu rộng. Với Amazon có thể mua từ chiếc siêu xe Porsche Panamera Turbo S đến đôi giày cao gót Louboutin, hay bình dân hơn như tuýp kem đánh răng, vài bịch tã trẻ em sản xuất bằng công nghệ thân thiện môi trường. Amazon trở thành nhà bán lẻ cho mọi lựa chọn của người Mỹ, hay đại ngôn hơn, cho cả thế giới. Amazon làm giảm đi sự nhàm chán và khổ sở của các bà nội trợ, phải đi chợ lo bữa ăn cho gia đình. Không cần làm gì lớn lao, không cần lùng sục khắp chợ hay siêu thị mà chỉ cần vài cú click chuột.

Apple với logo trái táo làm duyên trên những chiếc laptop và những thiết bị di động là biểu tượng cho sự giàu có, có học vấn và tôn vinh giá trị phương Tây. Thực chất, Apple đã thỏa mãn được hai bản năng của chúng ta: sùng bái và thu hút người khác phái! Apple tạo ra sự tín ngưỡng, sùng bái như một thứ tôn giáo và thu hút những tín đồ của mình bằng biểu tượng đó. Họ đã khôn ngoan chọn những tín đồ của mình chính là tầng lớp được xem là sáng tạo trong xã hội. Bằng triết lý kinh doanh khá ngược đời, đó là sản phẩm chi phí thấp mà lại bán được giá cao, Apple đã trở thành một công ty kiếm lời giỏi nhất trong lịch sử. Lợi nhuận của Apple tương đương với hai hãng xe hơi Ferrari và Toyota cộng lại.

Facebook là hiện tượng thành công nhất lịch sử nhân loại dựa vào yếu tố được chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Có 7,5 tỷ người trên trái đất thì 1,2 tỷ người đã sử dụng Facebook. Facebook Messenger và Instagram là những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ. Facebook và các ứng dụng đi kèm đã chiếm trung bình 50 phút của một người trong một ngày. Cứ mỗi sáu phút thì có một phút lên mạng để lướt Facebook và cứ mỗi năm phút dùng điện thoại lại dành ra một phút cho Facebook.

Google được xem là ông bụt thời hiện đại. Từ việc cập nhật kiến thức từng giây từng phút, đọc được những điều thầm kín nhất trong cõi lòng chúng ta, đến việc đi đâu về đâu cũng phải nhờ đến Google giúp đỡ và luôn sẵn lòng trả lời tất cả các câu hỏi thượng vàng hạ cám của bất cứ ai. Không một cơ quan hay tổ chức nào đưoc quần chúng tín nhiệm và tin tưởng như Google. Là một công ty con của Alphabet Inc., năm 2016, Google đã kiếm được 20 tỷ đô la lợi nhuận. Google kiểm soát hành vi của 2 tỷ người, 24 giờ một ngày, kết nối với những gì người ta muốn và những điều người ta chọn.

Trong mùa dịch, doanh số ba đại gia công nghệ tăng cao

Trên đây là chuyện của 3 năm trước. Hiện nay, trước tình hình dịnh bệnh COVID-19 thì các đại gia công nghệ nói trên ra sao?

Đầu mùa dịch, người ta nói nhiều đến sự suy giảm doanh thu của các công ty Facebook, Google do các doanh nghiệp trên toàn thế giới lao đao, dẫn đến chi phí quảng cáo của họ trên Facebook, Google bị cắt giảm phần lớn. Amazon tuy doanh số có tăng lên do nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu để dự trữ tăng vọt, nhưng vướng phải nhiều phê phán về chính sách sử dụng lao động trong mùa dịch.

Thế nhưng, đầu tháng 8, bài viết trên CNN dựa trên các báo cáo tài chính cho thấy tình hình đã khác hẳn.

3 trong số 4 đại gia là Amazon, Apple và Facebook cùng công bố báo cáo quý II-2020 với kết quả vượt trội, được cho là nhờ nhu cầu dịch vụ tăng vọt trong đại dịch.

Amaazon thông báo thu về 88,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng tăng gấp đôi đạt 5,2 tỷ USD, cho dù công ty đã chi ra hơn 4 tỷ USD trong quý trước để đối phó với đại dịch. Doanh thu mảng điện toán đám mây AWS tăng gần 29% lên 10,8 tỷ USD. Cổ phiếu Amazon đã tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau thông tin này. Doanh thu tại Bắc Mỹ tăng 43% so với năm ngoái, lên 55,4 tỷ USD do người tiêu dùng phụ thuộc vào mua sắm online trong mùa dịch.

Apple cũng đạt nhiều kết quả khả quan trong mùa dịch. Người dùng thi nhau sử dụng các dịch vụ trực tuyến của công ty trong thời gian bị phong tỏa, đưa doanh thu quý II lên 59,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng tăng 12% lên 11,2 tỷ USD. Cổ phiếu Apple đã tăng 5% trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Với Facebook, đại dịch càng khiến người ta sử dụng mạng xã hội này càng nhiều hơn. Đến hết quý II-2020, số người dùng hoạt động mỗi tháng của Facebook là 2,7 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả các nền tảng khác, như Instagram và WhatsApp, Facebook lần đầu tiên chạm mốc 3 tỷ người dùng hoạt động. Doanh thu Facebook đạt gần 18,7 tỷ USD, tăng 11% so với quý trước. Cổ phiếu của hãng tăng 7% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau báo cáo trên.

Đáng chú ý là báo cáo tài chính của ba đại gia công nghệ này được công bố cùng ngày với số liệu GDP Mỹ. Và doanh thu của họ tăng trưởng lạc quan trong khi GDP của Mỹ giảm tới 32,9% do đại dịch.

5 đại gia công nghệ thống trị nền kinh tế Mỹ

Có một tên tuổi lớn mà Galloway không nhắc trong danh sách bộ tứ trên, đó là Microsoft. Thật ra tầm ảnh hưởng cũng như giá trị thị trường của Microsoft không kém chút nào so với 4 đại gia trên, thậm chí còn hơn. Có lẽ Galloway không nhắc chỉ vì Microsoft mặc nhiên đã là đại gia công nghệ từ hàng chục năm về trước rồi.

4 đại gia công nghệ trong Big Four cộng với Microsoft thường được gọi là Big Five, hay GAFAM (là viết tắt tên của 5 công ty Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft). Đây chính là 5 đại gia công nghệ thống trị nền kinh tế Mỹ.

New York Times cho biết chỉ số S&P 500 (S&P 500 là một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ, tỷ lệ và loại cổ phiếu sử dụng để tính toán chỉ số S&P 500 do hãng S&P Dow Jones Indices quyết định) đã tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày 18-8, bất chấp đại dịch COVID-19 đang phá hủy cả nền kinh tế.

Việc tăng chỉ số S&P 500 chính là do việc tăng giá của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn hơn hẳn so với mức giảm của các mã còn lại. Theo số liệu của Credit Suisse, cổ phiếu của 5 công ty trong GAFAM đã tăng 37% trong 7 tháng đầu năm, trong khi đó, các mã còn lại trong S&P 500 giảm 6%.

5 công ty trong GAFAM hiện chiếm 20% tổng giá trị của thị trường chứng khoán, một mức chưa từng có ở một ngành nào trong ít nhất 70 năm. Giá trị thị trường cổ phiếu của Apple, cao nhất trong nhóm, vượt mốc 2.000 tỷ USD vào 19-8, gấp đôi so với chỉ 21 tuần trước.


Biểu đồ thể hiện giá trị của Apple từ khi thành lập đến nay. Nguồn: New York Times. Chuyển ngữ: PHN

Như đã nêu ở phần trên, sự thống trị của các công ty công nghệ trên thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận chưa từng có của họ đối với cuộc sống của chúng ta, định hình cách chúng ta làm việc, giao tiếp, mua sắm và thư giãn. Điều này càng trở nên sâu sắc hơn trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người mua sắm thường xuyên hơn trên Amazon, nhấp vào quảng cáo của Google hoặc Facebook hoặc trả tiền cho một chiếc iPhone,…


Biểu đồ thể hiện giá trị vốn hóa của 5 đại gia công nghệ lớn nhất thế giới, số liệu quý II-2020. Lập biểu đồ: PHN.

Dù Big Four hay Big Five, các đại gia công nghệ này chắc chắn có tác động rất lớn và lâu dài đến mọi người trên hành tinh này, bất chấp đại dịch hay những vấn đề khác có thể xảy ra.

Phạm Hoài Nhân
(Tổng hợp từ các nguồn: CNN, New York Times và The Four của Scott Galloway)
Báo Đồng Nai cuối tuần - 30/08/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét