Tháng 5-2020, công ty OpenAI vừa giới thiệu công cụ tạo văn bản GPT-3 dựa
trên trí tuệ nhân tạo. Màn trình diễn của GPT-3 trong buổi giới thiệu này đã gây
kinh ngạc cho giới chuyên môn với khả năng sáng tác văn chương của nó không kém
gì người thật, nếu không muốn nói là… hơn!
Năng lực viết văn của GPT-3 như con người
Các bạn hãy đọc đoạn văn sau đây, mô tả cảm xúc của John St
Clair Etouffee, chuyên gia nghệ thuật nổi tiếng thế giới, khi đi dạo quanh bảo
tàng Louvre thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, và dừng lại trước bức La
Gioconda, trò chuyện cùng nàng Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo da Vinci:
"The
sun is now barely a foot of two below the horizon and with every second, the
golden tone of the painting deepens. Everything melts in it. I, who am having
this experience, appear to you in a little corner of the painting and I look at
you through the painting and our eyes meet. Our arms, our shoulders, our heads,
our hands, our necks, our mouths, our lips, our eyes, our fingers and the tips
of our toes - all this transforms itself into bright, beauteous colour.
Everything becomes alive, all there is left in me is love and appreciation. It
makes me want to shout at you "Don't leave!" but you don't hear me
and I remain silent. La Gioconda looks at me and I at La Gioconda, the same as
before, but now it's like being in two places at the same time and my feet have
no feeling."
Tạm dịch:
“Mặt trời bây giờ chỉ vài phân phía dưới đường chân trời
và trong từng giây sắc vàng của bức tranh thêm sâu thẳm. Mọi vật đều tan trong đó.
Tôi, người đang có những trải nghiệm này, xuất hiện trước mặt nàng từ một góc
nhỏ của bức tranh, nhìn nàng qua tranh và đôi mắt chúng ta gặp nhau. Đôi vai, đôi
tay, đầu, bàn tay, cổ, mắt, môi, miệng và cả những đầu ngón tay, ngón chân của
chúng ta đều biến thành những màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Mọi thứ đều sống động,
tất cả những gì còn lại trong tôi là tình yêu và sự ngưỡng mộ. Điều đó làm tôi
muốn kêu lên với nàng “Đừng đi!” nhưng vì nàng không nghe thấy, nên tôi vẫn lặng
yên. La Gioconda nhìn tôi, tôi nhìn La Gioconda, vẫn như trước, nhưng giờ đây
trong cùng thời gian ta ở hai nơi cách biệt và đôi chân tôi không còn cảm giác.”
Đoạn văn này hoàn toàn do GPT-3 sáng tác sau khi được cho “đề
bài” ngắn gọn. Các chuyên gia đã kinh ngạc nhận xét rằng đoạn văn này rất phong
phú, mượt mà trôi chảy y như một… nhà văn chuyên nghiệp viết!
GPT-3 là gì mà ghê gớm vậy?
OpenAI, nơi tạo ra GPT-3 là một công ty phi lợi nhuận nghiên
cứu về AI. Mục đích của công ty này là nghiên cứu và tạo ra những trí tuệ nhân
tạo có tư duy giống con người, khiến chúng trở nên an toàn hơn và có thể ứng
dụng trong tương lai. OpenAI do Elon Musk và Sam Altman thành lập tháng 12-2015
với nguồn vốn khởi điểm 1 tỷ USD đến từ các công ty công nghệ lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, đầu năm 2019 Elon Musk đã tuyên bố rời bỏ OpenAI. Lý do được ông nêu
ra là “không đồng tình với hướng phát triển của OpenAI”.
GPT (viết tắt của Generative Pre-training Transformer) là
một mô hình tạo văn bản với sự hỗ trợ của AI, ra mắt lần đầu tiên năm 2018. Sử
dụng một mô hình ngôn ngữ tổng quát bao gồm hai mạng thần kinh tự cạnh tranh để
hoàn thiện lẫn nhau, GPT có thể tạo ra những đoạn văn bản hoàn chỉnh chỉ với đầu
vào là vài gợi ý cơ bản. Tháng 2-2019, GPT-2 được ra mắt với mức độ hoàn thiện cao
hơn GPT. Chính Elon Musk đã từ chối công bố GPT-2 bởi ông lo ngại với sự “thông
minh” của mình GPT-2 có thể được dùng để tạo ra tin giả đăng tải lên các mạng
xã hội. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến ông rời bỏ OpenAI.
GPT-3 ra mắt tháng 5-2020 là một bước đột phá mạnh mẽ. GPT-3
học từ cơ sở dữ liệu khổng lồ gồm hàng triệu nội dung viết bằng tiếng Anh ở
nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đưa ra yêu cầu, AI của hệ thống sẽ lọc các nội dung
liên quan, thu thập các tham số rời rạc rồi kết hợp với nhau. Kết quả trả về là
một văn bản hoàn thiện, phù hợp với “đề bài”. Khả năng vượt trội của GPT-3 được
cho là bởi nó dựa trên bộ cơ sở dữ liệu với 175 tỷ tham số, lớn gấp hàng trăm
lần so với GPT-2 (chỉ có 1,5 tỷ tham số), gấp 10 lần so với bộ dữ liệu lớn nhất
thế giới trước đó của Microsoft với 17 tỷ tham số.
Ta có thể tạm hiểu ý nghĩa của Tham số
qua ví dụ sau. Khi ta soạn email hay tin nhắn, thì trước khi ta gõ tiếp văn bản,
ta sẽ thấy hiện ra các từ/cụm từ gợi ý để ta chọn và hoàn chỉnh văn bản của mình
nhanh chóng. Các từ/cụm từ gợi ý này chính là những tham số.
Không chỉ viết văn, GPT-3 còn làm được nhiều việc hơn thế
nữa!
Hai tuần trước, GPT-3 đã được OpenAI cung cấp cho các nhà phát
triển dưới dạng giao diện lập trình ứng dụng (API, Application Programming
Interface). Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển này có thể tạo các ứng dụng
của mình dựa trên nền tảng GPT-3. Một số ứng dụng khá bất ngờ đã xuất hiện.
Nhà phát triển Sharif Shameem đã viết ra một ứng dụng tạo bố
cục bằng GPT-3. Chỉ cần bạn nhập vào các mô tả đơn giản, GPT-3 sẽ tạo ra những
dòng mã phù hợp. Ví dụ: Bạn nói cho ứng dụng biết hãy tạo một bảng gồm 2 cột liệt
kê tên các quốc gia giài nhất thế giới và GDP tương ứng của các quốc gia ấy. Nó
sẽ tự viết mã và hiện ra kết quả như hình.
Mô tả điều bạn muốn làm ở
ô trống phía trên. Nhấn Generate, ứng dụng sẽ tạo nên đoạn mã như trong ô
xám kế dưới, đồng thời kết quả do đoạn mã vừa tạo sẽ xuất hiện ngay bên dưới.
Hoặc sử dụng GPT-3 để tạo nên một ứng dụng chẩn đoán bệnh và
kê đơn thuốc, kèm theo giải thích lý do kê đơn, như trong hình.
GPT-3 ứng dụng vào khám bệnh
Một ứng dụng khác của GPT-3 là tạo ra một công cụ tìm kiếm
có thể trả lời mọi câu hỏi kiểu như Google:
GPT-3 ứng dụng vào hỏi đáp
AI thông minh như người, đáng mừng và đáng lo
Bước phát triển bứt phá của GPT-3 giúp công việc dễ dàng
hơn, thậm chí biến nhiều công việc hiện nay trở nên lỗi thời. Do được cung cấp
dưới dạng API, việc thử nghiệm GPT-3 sẽ rộng rãi hơn trên toàn thế giới. Vì được
tạo nên với mục đích chính là xử lý văn bản tự động nên GPT-3 sẽ rất hữu ích
cho những người làm nghề liên quan đến công việc này, như: biên tập viên (báo chí,
nhà xuất bản), người viết kịch bản, nhân viên dịch thuật, và cả lập trình viên
cấp thấp… Thậm chí, tiến đến một cực đoan là khiến cho những người này thất
nghiệp!
Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất chính là sự phát triển AI trong lĩnh
vực xử lý văn bản tự động sẽ giúp tạo tin giả nhanh chóng và giống thật hơn bao
giờ hết. Với khả năng truy cập khối dữ liệu đồ sộ và xử lý chúng để biến thành
văn bản một cách tinh tế như GPT-3, chuyện tạo tin giả trở nên dễ dàng hơn và
phát hiện ra chúng là tin giả trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Elon Musk, người sáng lập ra OpenAI với mục đích là nghiên
cứu và tạo ra những trí tuệ nhân tạo có tư duy giống như con người, khiến chúng
trở nên an toàn hơn và có thể ứng dụng trong tương lai đã rời bỏ OpenAI vì không
đồng tình với hướng đi của các lãnh đạo còn lại. Liệu rằng những bước phát triển
mới của Open AI sẽ khiến con người cảm thấy vui mừng hay lo lắng?
Phạm Hoài Nhân
Đồng Nai Cuối tuần - 02/08/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét