Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Làm sao Facebook biết người đăng ký dưới 13 tuổi?

Mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đem lại nhiều tác hại khó lường nếu người sử dụng là trẻ em, khi mức độ ý thức chưa cao. Chính vì vậy, hầu hết các mạng xã hội đều quy định độ tuổi tối thiểu để đăng ký. Đối với Facebook, độ tuổi đó là 13. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao Facebook biết được người đăng ký đó dưới 13 tuổi?

Sự cần thiết giới hạn lứa tuổi tham gia mạng xã hội

Người lớn sẽ không cho một đứa trẻ bước ra ngoài xã hội nếu nó chưa đủ tuổi để nhận thức được những điều xấu tốt của cuộc đời. Tương tự như vậy, người lớn không nên cho trẻ em tiếp xúc sớm với mạng xã hội vì nơi ấy chính là bản sao của xã hội thật.

Mạng xã hội quả thật đem lại rất nhiều ích lợi, nó giúp chúng ta mở rộng kiến thức, mối quan hệ, tạo được sự giao lưu và truyền thông hữu hiệu. Tuy nhiên, nếu chưa đủ nhận thức, nó có thể khiến người dùng bị lừa đảo, bị lợi dụng hay bị hướng theo những suy nghĩ sai trái. Chính vì vậy, cần phải hạn chế độ tuổi tham gia mạng xã hội để trẻ em không thể tham gia, dẫn đến những hậu quả xấu.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

YouTube đồng hành cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, người dân cần phải ở nhà để tránh lây lan thì YouTube là một công cụ hỗ trợ rất đắc lực. YouTube vừa là kênh giải trí, giáo dục giúp mọi người thư giãn, học tập khi phải cách ly; vừa là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả để chống dịch.

Đợt dịch năm ngoái, YouTube phát huy hiệu quả rất tốt

Năm 2020, lần đầu tiên video về Y tế nằm trong Top 10 video nổi bật trong tổng kết cuối năm của YouTube. Không mang những yếu tố hài, giải trí như những video còn lại trong Top 10, video này có nội dung nghiêm túc, chân phương nhưng cách trình bày rất rõ ràng, ngắn gọn dễ hiểu lại thêm minh họa đẹp mắt và nội dung đúng vào sự quan tâm của mọi người nên này thu hút nhiều người xem. Cách tiếp cận đối tượng khán giả qua mạng xã hội sáng tạo của Bộ Y tế đã được cộng đồng ủng hộ nhiệt liệt, giúp thông điệp lan tỏa rộng và mạnh mẽ hơn, góp phần vào thắng lợi trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Ra mắt vào tháng 4-2020, tính đến thời điểm cuối năm video đã có 23,6 triệu lượt xem.

Một thành quả nổi bật nữa là bài hát chống COVID-19 Ghen cô Vy và video Vũ điệu rửa tay của Quang Đăng đã nhanh chóng lan truyền mạnh trong cộng đồng, chẳng những tại Việt Nam mà còn tạo được sự yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới.

Ca khúc Ghen Cô Vy từng được thịnh hành khắp thế giới, thông qua kênh YouTube

Về phía mình, YouTube đã khởi động chiến dịch “Ở nhà với tôi” trên toàn cầu. Tại Việt Nam, YouTube đã thay đổi diện mạo mới để ủng hộ chiến dịch này. Nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube Việt cũng đã bắt đầu đặt hashtag #StayHome #WithMe trên video của mình và tăng cường năng suất tạo ra các video thú vị để động viên tinh thần cho các khán giả của mình, cùng nhau trải qua thời gian cách ly xã hội một cách tích cực và ý nghĩa nhất.

Hoạt động phòng chống dịch năm nay trên YouTube

Với nỗ lực chung tay cùng cộng đồng “ở nhà phòng dịch”, YouTube đã phát động chiến dịch “YouTube Vui hè tại gia – Thả ga hoạt động” trong tháng 7-2021, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần người dân trong thời gian hạn chế dịch bệnh.

Chiến dịch bao gồm chuỗi livestream kéo dài trong 3 tuần (bắt đầu từ 1-7 đến 24-7), được định hướng nội dung bởi các Nhà sáng tạo hàng đầu hiện nay trên nền tảng YouTube. Các livestream này chia sẻ các hoạt động lành mạnh có thể làm tại nhà, bên cạnh việc khuyến khích mọi người thực hiện khẩu hiệu 5K của Bộ Y Tế.

Chiến dịch chính thức mở đầu bằng Tuần livestream với chủ đề Fitness, diễn ra từ ngày 01-07 đến 08-07. Loạt livestream cho 2 tuần tiếp theo: Tuần 2 - Food & Fun (Nấu Ăn & Giải trí) và Tuần 3 - DIY/ Trau dồi thêm kỹ năng mới. Người xem có thể cùng các Nhà sáng tạo hàng đầu thực hiện những bài tập đơn giản, nấu những món ăn ngon miệng hay tự tay làm một món đồ thủ công đầy ấn tượng,… và trên hết là cùng nhau Vui – Khỏe vượt qua mùa dịch.

Chiến dịch này hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra. Người dùng có thể vào YouTube và tìm với hashtag #VuihecungYouTube để tham dự livestream.

Khách quan nhận xét, chiến dịch này không đạt hiệu quả cao. Các video đăng tải chỉ có được khoảng dưới 10.000 lượt xem.

Về phía các cơ quan chức năng, chưa thấy có những video tạo sự quan tâm đặc biệt của công chúng như năm ngoái. Bên cạnh những nội dung cập nhật thông tin hàng ngày, người ta thấy không ít video mang tính giật gân để thu hút sự chú ý của người xem. Không loại trừ trong đó là những thông tin sai sự thật, làm hoang mang dư luận.

Có lẽ những người có trách nhiệm cần tạo thêm những video định hướng tốt và hấp dẫn người xem trên YouTube để phát huy tính năng của công cụ này trong công cuộc phòng chống COVID-19.

YouTube Shorts ra mắt, mở ra sân chơi sáng tạo mới

Giao diện YouTube Shorts

Năm 2020, đội ngũ YouTube phát triển YouTube Shorts. Đây là một công cụ tạo video ngắn bằng điện thoại di động tựa như Tik Tok. Phiên bản thử nghiệm đã đến hơn 26 quốc gia và đã ghi nhận rất nhiều các video Shorts sáng tạo tuyệt vời đến từ cộng đồng YouTube.

Ngày 13-7-2021, YouTube Shorts vừa ra mắt toàn cầu. Hiện nay, ở Việt Nam, trên đa số smartphone người dùng mới chỉ có thể xem các video Shorts, bằng cách nhấp vào Shorts ở phía dưới màn hình. Trong một vài tuần tới, công cụ Shorts sẽ được ra mắt tại hơn 100 quốc gia, những nơi mà YouTube có mặt.

Sau đây là một số điều mà YouTube kỳ vọng từ YouTube Shorts khi bắt đầu ra mắt tại Việt Nam.

Mở ra một sân chơi sáng tạo mới: Sáng tạo chính là điều cốt lõi của video dạng ngắn và YouTube mong muốn việc tạo ra các video Shorts trở nên dễ dàng và vui tươi hơn. Shorts bao gồm sẵn những công cụ sáng tạo video cơ bản như sử dụng camera quay nhiều phân khúc để kết nối nhiều đoạn video với nhau, khả năng quay video cùng với nhạc, điều khiển cài đặt tốc độ và thêm nhiều tính năng khác. Dưới đây là một số tính năng của Shorts, hứa hẹn sự thách thhức lớn với Tik Tok:

-        Thêm văn bản vào các điểm cụ thể trong video của bạn

-        Lấy âm thanh mẫu từ những video Shorts khác để phối hợp vào video của bạn

-        Tự động thêm chú thích vào video Shorts của bạn

-        Ghi hình tối đa 60 giây với camera của công cụ Shorts

-        Kết hợp thêm các clip từ thư viện ảnh trên smartphone của bạn vào video vừa tạo từ camera trong công cụ Shorts

-        Thêm các bộ lọc màu cơ bản để chỉnh sửa video Shorts, nhiều hiệu ứng sẽ được bổ sung sau trong tương lai

Shorts có khả năng lấy âm thanh mẫu từ các video khác trên YouTube, vốn bao gồm hàng tỉ video trên toàn cầu, nên mở ra một sân chơi sáng tạo mới chưa từng có. Đây là lợi thế cực kỳ to lớn của Shorts so với các ứng dụng tương tự khác, như Tik Tok.

Mang đến trải nghiệm xem liền mạch trên YouTube: Ngoài việc hỗ trợ khả năng sáng tạo, việc thiết kế và bố trí Shorts giúp mọi người tìm đến Shorts để giải trí và giúp các nhà sáng tạo được biết đến nhiều hơn. YouTube dành ra một hàng trên trang chủ của mình để giới thiệu về Shorts, ra mắt một trải nghiệm nghe nhìn mới giúp bạn dễ dàng vuốt dọc từ video này sang video tiếp theo và sẽ sớm bổ sung thêm một thẻ Shorts trên phiên bản điện thoại để xem các video Shorts dễ dàng hơn chỉ trong một lần nhấn.

YouTube cũng đang tăng cường sự kết nối của người dùng với nội dung của Shorts, với những nhà sáng tạo và nghệ sĩ mà bạn quan tâm nhất bằng cách tích hợp với nền tảng YouTube mà bạn đã biết đến và yêu thích. Ví dụ, nếu bạn nghe được đoạn trích của một bài hát trên Shorts, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm cả bài hát, xem cả MV, hoặc biết thêm về nghệ sĩ - tất cả trên YouTube. Và nó hoạt động theo cả hai cách. Nhấn vào biểu tượng tạo ngay từ video để sáng tạo ra một video Shorts của bạn với âm thanh đó, hoặc tìm hiểu xem cách những người khác sử dụng âm thanh đó trên Shorts.

Hỗ trợ các nhà sáng tạo trên thiết bị di động: YouTube đã hỗ trợ cho cả một thế hệ các nhà sáng tạo, giúp họ biến sự sáng tạo của mình thành ý tưởng kinh doanh và trở thành thế hệ tiếp theo của các công ty truyền thông. Trong hơn 3 năm qua, YouTube đã chi trả hơn 30 tỷ USD cho các nhà sáng tạo, nghệ sĩ và các công ty truyền thông.

Với công cụ Shorts là một phương thức mới để xem và sáng tạo trên YouTube, YouTube đã nhìn nhận một cách hoàn toàn mới về việc tạo thu nhập từ Shorts và trả tiền cho người sáng tạo về nội dung của họ.

---

YouTube Shorts được tạo ra không chỉ cho mục đích góp phần phòng chống COVID-19, nhưng với những đặc điểm, tính năng linh hoạt của mình, đây sẽ là công cụ hiệu quả để các nhà sáng tạo nội dung truyền đi những thông điệp tích cực, những thông tin cần thiết cho cộng đồng để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 19/07/2021

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Deepfake, mối quan ngại của cả thế giới

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác. Với đà phát triển của công nghệ, việc tạo nên những video giả như trên ngày càng tinh vi khiến người ta không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, từ đó sẽ gây nên những tác hại khó lường.

Deepfake là gì?

Deepfake là một thuật ngữ ghép từ chữ deep-learning nghĩa là học sâu và fake là giả. Deep-learning là một hướng nghiên cứu trong AI, giúp máy tư duy giống người một cách sâu sắc hơn. Công nghệ deepfake sẽ thu thập hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng, sau đó thay thế khuôn mặt này vào mặt của một người khác trong video. Đối với các tập tin âm thanh, deepfake sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy.

Một ví dụ cụ thể và khá thông dụng về deepfake là ứng dụng ZAO của Trung quốc.

ZAO là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí, ra đời đầu tháng 9-2019. Bạn chỉ cần đưa lên một tấm ảnh chân dung của mình và chọn trong thư viện các clip của ZAO, gồm trích đoạn các bộ phim điện ảnh hay show truyền hình nổi tiếng là bạn sẽ trở thành diễn viên chính trong các clip ấy.

Ứng dụng ZAO hoán đổi gương mặt bạn với diễn viên trong những video nổi tiếng

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Dữ liệu lớn giúp dự báo tình hình kiểm soát dịch bệnh

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Đại học Fullbright, đến đầu tháng 8, TP.HCM sẽ chỉ còn rải rác vài ca mắc COVID-19/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021. Nghiên cứu của nhóm sử dụng dữ liệu đầu vào là số ca bệnh theo ngày dịch tễ; hệ số lây nhiễm cơ bản-R0; tham số về các biện pháp can thiệp (giãn cách xã hội từ báo cáo Google Mobility, khả năng truy vết, lây trong khu cách ly từ phân tích các vụ dịch trước). Trong các dữ liệu đầu vào có báo cáo giãn cách xã hội từ Google Mobility. Báo cáo Google Mobility là gì?

Giãn cách xã hội là giải pháp hạn chế lây lan hiệu quả

Giãn cách xã hội (social distancing) là một chiến lược y tế công cộng, nhằm làm hạn chế sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, đang được áp dụng tại rất nhiều nơi trên thế giới trước tình trạng COVID-19 đang bùng phát. Việc hạn chế người dân đến những nơi công cộng hoặc giảm lượng người tập trung ở những địa điểm như cơ quan, bệnh viện... cũng nằm trong chiến lược đó. Có thể thấy rằng việc dập tắt dịch nhanh hay chậm có một phần khá lớn là nhờ ở việc hạn chế tập trung nơi công cộng. Thế nhưng làm sao đo được mức độ giảm tập trung ở những điểm công cộng ấy?

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Tìm ứng dụng tốt cho con trên thiết bị di động

Hiện nay, đa số phụ huynh đều cho con em mình tiếp cận với thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng). Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay trẻ em phải ở nhà nhiều hơn trước khiến thời gian sử dụng thiết bị di động càng nhiều hơn. Tìm ra những ứng dụng tốt cho các cháu sử dụng là điều các bậc phụ huynh quan tâm.

Trẻ em và thiết bị di động

Thống kê năm 2020 cho biết Việt Nam có 145,8 triệu thuê bao điện thoại di động (chiếm 150% dân số cả nước), số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân). Trong số đó có rất nhiều người cho trẻ con dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị di động. Để dỗ con ăn, cha mẹ cho con xem video trên điện thoại. Muốn con chơi ngoan, không quấy phá lúc cha mẹ làm việc, điện thoại cũng trở thành công cụ hữu dụng. Ở tuổi nhi đồng và thiếu nhi, nhiều em đã được cho sở hữu riêng máy tính bảng hoặc điện thoại di động.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Facebook xử lý “ngôn từ gây thù ghét” như thế nào?

Gần đây tại Việt Nam trên không gian mạng xuất hiện nhiều phát ngôn kích động thù hận, làm tổn thương nhiều người và gây bức xúc trong xã hội, Bộ Thông tin & Truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ở phạm vi toàn cầu, tình hình cũng tương tự như vậy. Các chuyên gia đã xác định rằng môi trường phát tán những ngôn từ thù hận này nhiều nhất là Facebook. Facebook đã và đang làm những gì để xử lý vấn nạn?

Bộ Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook

Giữ vai trò nền tảng trong việc quy định những điều gì người dùng được làm và không được làm trên Facebook là Bộ tiêu chuẩn cộng đồng, tương tự như Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin & Truyền thông. Nó tương đương một bộ luật mà mọi người phải tuân theo khi sử dụng Facebook, nếu không sẽ bị trừng phạt bằng cách cấm đăng một bài, cấm một thời gian hay cấm vĩnh viễn. Facebook nêu lý do để đưa ra bộ Tiêu chuẩn cộng đồng như sau:

“Chúng tôi nhận thức rõ về tầm quan trọng của Facebook trong việc trở thành nơi mà mọi người cảm thấy có quyền giao tiếp. Chúng tôi rất nghiêm túc về vai trò của mình trong việc ngăn chặn hành vi lạm dụng dịch vụ của chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi đã phát triển một bộ Tiêu chuẩn cộng đồng nêu ra những gì được phép và không được phép trên Facebook. Chính sách của chúng tôi dựa trên phản hồi từ cộng đồng Facebook và nội dung tư vấn của các chuyên gia trong những lĩnh vực như công nghệ, an toàn cộng đồng và nhân quyền. Để đảm bảo ý kiến của mọi người đều được xem trọng, chúng tôi đã cố gắng xây dựng chính sách bao hàm nhiều quan điểm và niềm tin khác nhau, nhất là quan điểm và niềm tin của những người, những cộng đồng yếu thế hoặc bị xem nhẹ”.

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Hot trend là gì?

Vài năm gần đây, cứ ít lâu lại rộ lên phong trào dùng nhiều một từ ngữ hay một câu nói vui nào đó. Cũng có khi đó là một hình ảnh, một mẩu truyện tranh vui nhộn được lặp đi lặp lại với nội dung được chỉnh sửa theo những tình huống khác nhau. Người ta gọi đó là hot trend. Vậy hot trend là gì?

Hot trend là gì?

Hot là nóng, trend là xu hướng. Hot trend dịch sát nghĩa là xu hướng nóng, hoặc có thể hiểu là trào lưu. Trong trường hợp tổng quát, hot trend có thể là bất cứ thứ gì thu hút sự quan tâm cao độ của đám đông. Đó có thể là một mẫu thời trang (không nhất thiết phải là mới, nhưng được khơi gợi lại và tạo được sự quan tâm), một bài hát (ví dụ như gần đây là bài Đắp mộ cuộc tình được hát hầu như mọi lúc, mọi nơi)… Nhưng thông dụng nhất, hot trend là những từ ngữ, những câu nói được trích ra từ các bài hát, video clip, bài viết… được đám đông đắc ý và áp dụng vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Cũng có thể hot trend là những tranh biếm họa nhại đi nhại lại theo cùng một mô-tuýp (vì thu hút sự thích thú của công chúng) nhưng diễn tả nhiều nội dung khác nhau.

Điểm khác nhau giữa hot trend trend (xu hướng, nói chung) là hot trend có tính chất ngắn hạn, bùng phát mạnh trong một thời gian ngắn rồi thôi, còn trend thì dài hơi hơn. Môi trường lan truyền hot trends có thể là bất cứ đâu, nhưng nhanh nhất, rộng khắp nhất chính là cộng đồng mạng.

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Trí tuệ nhân tạo giúp Google trả lời các câu hỏi về... bệnh ngoài da

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được sử dụng trong chẩn đoán bệnh. Nó có thể thay thế người bác sĩ để trả lời các câu hỏi của bệnh nhân về triệu chứng và đề xuất các biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, với các bệnh ngoài da – gọi chung là da liễu, dermatology - vấn đề trở nên phức tạp hơn vì các triệu chứng bệnh này cần được quan sát bằng hình ảnh trực tiếp thay vì chỉ mô tả bằng từ ngữ. Tại Hội nghị I/O 2021 Google vừa giới thiệu một công cụ khám bệnh ngoài da do AI hỗ trợ giúp giải quyết vấn đề này.

Bằng smartphone và Google, bạn có thể tìm hiểu về bệnh ngoài da của mình. Ảnh: Google.

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Tự động tạo phụ đề tiếng Anh trong trình duyệt Chrome

Nếu bạn là một trong 466 triệu người khiếm thính trên trái đất này thì khi bạn xem video hay xem các chương trình tin tức trên Internet bạn sẽ rất cần có phụ đề để đọc. Một số chương trình video có phụ đề như thế thật, nhưng số không có ắt là nhiều hơn. Đặc biệt là các chương trình truyền hình trực tiếp, không thể có sẵn phụ đề được. Như vậy chẳng lẽ người khiếm thính không thể thưởng thức trọn vẹn những chương trình ấy hay sao?

Ứng dụng Live Transcribe

Từ năm 2019 Google đã có ứng dụng Live Transcribe - tên app bằng tiếng Việt là Tạo phụ đề trực tiếp và Thông báo có âm thanh. Ứng dụng này ghi nhận mọi lời nói và âm thanh phát ra và hiển thị bằng chữ trên màn hình smartphone nhằm hỗ trợ người khiếm thính có thể đọc được. Ứng dụng này rất hay và miễn phí, bạn có thể tải về trên Android hoặc iOS. Thế nhưng Live Transcribe là một ứng dụng độc lập chạy trên smartphone và giả sử bạn đang xem video trên laptop thì phải liên tục nhìn lên laptop để xem video và nhìn xuống smartphone để đọc chữ. Điều này khá bất tiện.

Cái mà bạn cần là một thứ giống như phụ đề khi xem phim, và phụ đề đó phải được tạo ra tức thì khi phim đang diễn ra. Rất may, từ tháng 3-2021 Google đã thực hiện điều này, và càng tiện lợi hơn nữa khi bạn không cần tải về ứng dụng riêng biệt nào cả. Tính năng này được đưa luôn vào trình duyệt Chrome, nghĩa là nếu bạn đang dùng trình duyệt Chrome thì nó có sẵn rồi!

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

Sau Ngày nói dối là Ngày Quốc tế Xác minh Dữ kiện

Hầu như ai cũng biết ngày 1 tháng Tư là ngày nói dối, thế nhưng một ngày sau đó, ngày 2 tháng Tư là một ngày có ý nghĩa đối nghịch thì ít người biết. Ngày 2 tháng Tư hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế Xác minh Dữ kiện (International Fact-Checking Day).

Ý nghĩa của Ngày Quốc tế Xác minh Dữ kiện

Trang chủ của Mạng lưới Xác minh Dữ kiện Quốc tế (International Fact-Checking Network, IFCN). Ảnh chụp màn hình

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Những công nghệ mới trên Google Maps

Ra đời cách nay 16 năm, đến nay Google Maps (Bản đồ Google) đã vượt xa khái niệm về một chiếc bản đồ thông thường, và với việc ứng dụng ngày càng nhiều những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), dữ liệu lớn (Big Data)…, Google Maps đã có những tính năng hữu ích và tiện lợi hơn hẳn so với chính nó cách đây vài năm.

Hướng dẫn đường đi theo thời gian thực (real time)

Người xưa có câu “Đường đi ở trong miệng”, ý nói muốn biết điểm đến ở đâu, đi hướng nào thì cứ… hỏi người xung quanh. Lời dạy không sai, nhưng độ tin cậy của lời nói quả là khá thấp, chưa kể là không tìm ra người để hỏi, hay người được hỏi cũng… không biết đường. Chuẩn mực hơn, người ta dùng bản đồ, và tốt nhất là bản đồ số được cập nhật thường xuyên để tiện dụng khi đi trên đường, sử dụng trên thiết bị di động.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Chromebook lên 10

Nếu bạn là người quan tâm đến thiết bị xách tay, như máy tính bảng hay laptop (hay còn gọi là notebook), bạn có thể thấy giữa rất nhiều loại thiết bị xách tay trên thị trường có những thiết bị gọi là Chromebook. Chromebook ra đời năm 2011, đến nay vừa tròn 10 năm. Chromebook trông giống như laptop hoặc máy tính bảng, nhưng… không phải laptop. Vậy nó là gì?

Vì sao Chromebook ra đời?

John Maletis, Trưởng bộ phận Sản phẩm và Người dùng của Chrome OS, giải thích lý do ra đời của Chromebook như sau:

10 năm trước, máy tính rất phức tạp. Khởi động chậm, phần cứng cồng kềnh và việc phải chủ động can thiệp để cập nhật phần mềm trên máy là chuyện thường tình. Vấn đề là máy tính được phát minh trước khi có Internet, vì vậy chúng chưa hoàn toàn bắt kịp cách mọi người sử dụng web. Do đó, Google bắt đầu thiết kế một cái gì đó mới. Ý tưởng là tạo ra máy tính với nền tảng đám mây là trải nghiệm trước tiên, nhanh chóng, an toàn và dễ sử dụng - với phần mềm luôn tự động cập nhật. Máy tính khởi động trong vài giây và luôn hoạt động nhanh.

Vào năm 2011, Google đã ra mắt Chromebook đầu tiên với sự hợp tác của Acer và Samsung. Ngày nay, Chromebook giúp hàng triệu người luôn kết nối qua Internet trong khi họ làm việc, học tập và giải trí; trong năm qua điều này lại càng đúng hơn nữa.

Google kỷ niệm 10 năm Chromebook ra đời

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Mức độ cải thiện Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng của Việt Nam năm 2020 vào hàng tốt nhất thế giới

Ngày 19-2-2021, Microsoft công bố các phát hiện từ nghiên cứu thường niên  “Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến – 2020” và Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng (viết tắt là DCI) năm 2020. Điểm đáng chú ý là Việt Nam là một trong năm quốc gia/ khu vực có Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng cải thiện nhất so với năm trước trên toàn cầu.

Nghiên cứu về văn minh trực tuyến để nâng cao nhận thức của người dùng mạng Internet

Báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) bắt đầu được thực hiện từ năm 2016, đến nay là năm thứ 5. Khảo sát lần này (gọi là DCI 2020 vì thực hiện năm 2020) có sự tham gia của 16.000 người đến từ 32 khu vực địa lý và được hoàn thành từ tháng 4 đến tháng 5-2020. Cuộc khảo sát đã thăm dò ý kiến hai nhóm tuổi – ​​người trưởng thành và thanh thiếu niên – về các tương tác trên mạng cũng như rủi ro trực tuyến mà họ từng gặp phải. Có 9 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát năm nay, bao gồm: Úc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Cuộc chiến giữa Facebook và chính phủ Úc

Ngày 18-2-2021, Facebook làm nước Úc và cả thế giới bất ngờ khi cấm toàn bộ chia sẻ tin tức của nước Úc trên nền tảng của mình. Việc làm này được xem như trả đũa dự luật Media Bargaining (Thương lượng Truyền thông) của Úc, theo đó các hãng công nghệ lớn phải trả tiền cho tin tức báo chí.

Sự việc nêu trên có thể được diễn giải một cách đơn giản như sau:

-        Chính phủ Úc thấy rằng có nhiều tin tức của mình được đăng tải trên nền tảng Facebook. Người dùng Facebook xem các tin tức đó, nhờ vậy Facebook thu hút được các quảng cáo. Vậy nên Facebook phải trả tiền cho chính phủ Úc mỗi khi có tin tức của nước Úc đăng trên nền tảng này.

-        Facebook cho rằng việc đăng các tin tức trên nền tảng của mình là do các đối tác tự nguyện đưa lên chứ không phải Facebook chủ động xin đăng. Việc thu hút quảng cáo là có nhưng không đáng kể so với lợi ích của người dân Úc do được truyền bá thông tin. Vậy nên nếu muốn đòi tiền thì Facebook cấm đưa tin tức lên xem ai thiệt cho biết!

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

News Feed của Facebook dự đoán những gì bạn muốn xem như thế nào?

Khi bạn mở Facebook lên, trên trang chính của bạn (gọi là trang Bảng tin hay News Feed) sẽ xuất hiện một số bài đăng từ các bạn bè, các trang yêu thích, và cả các quảng cáo nữa. Những bài đăng này được Facebook tuyển chọn từ hàng tỷ bài đăng đang có, mà Facebook cho rằng bạn muốn xem. Vậy Facebook tuyển chọn như thế nào? Dưới đây là một số nguyên tắc do chuyên gia của Facebook tiết lộ.

Facebook sử dụng AI để chọn lựa các bài đăng xuất hiện trên Bảng tin của mỗi người

Khi nói đến News Feed, hầu hết mọi người đều hiểu rằng những bài đăng trên đó đều tuân theo một thuật toán đang hoạt động chứ không phải xuất hiện ngẫu nhiên. Facebook đã sử dụng đến trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống xếp hạng máy học (machine learning, ML) cung cấp cho News Feed là cực kỳ phức tạp, với nhiều lớp. Trên newsroom của Facebook mới đây, 3 chuyên gia của Facebook là Akos Lada, Giám đốc Khoa học Dữ liệu, Meihong Wang, Giám đốc Kỹ thuật và Tak Yan, Giám đốc Quản lý Sản phẩm, đã chia sẻ những thông tin chi tiết mới về cách hệ thống xếp hạng này hoạt động và những thách thức trong việc xây dựng một hệ thống để cá nhân hóa nội dung cho hơn 2 tỷ người và hiển thị cho mỗi người trong số họ những nội dung phù hợp và có ý nghĩa đối với họ mỗi khi họ truy cập Facebook.

Sơ đồ xử lý thông tin trước khi đưa lên Bảng tin. Nguồn: Facebook. Chuyển ngữ: PHN

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Trí tuệ nhân tạo giúp người mù “xem” Facebook dễ hơn

Có trên 2,5 tỷ người sử dụng Facebook, trong đó không ít người khiếm thị. Để giúp những người khiếm thị này theo dõi được nội dung đăng trên Facebook người ta dùng các ứng dụng đọc màn hình (screen reader). Ứng dụng này sẽ đọc những dòng status, comment… được đăng trên Facebook để người khiếm thị nghe. Thế nhưng hình ảnh thì sao? 5 năm qua, Facebook đã có những nỗ lực nhằm giúp người khiếm thị “xem” được hình ảnh trên mạng xã hội này.

Khái niệm về văn bản thay thế

Mỗi hình ảnh được tải lên mạng Internet đều có một thuộc tính là Alt Text – viết tắt của Altenative Text, nghĩa là Văn bản thay thế. Alt Text là một dòng văn bản ngắn gọn, mô tả sơ về bức ảnh được tải lên đó. Ở buổi ban đầu của Internet, tốc độ đường truyền rất chậm, việc tải một bức ảnh (vốn có kích thước file lớn hơn văn bản rất nhiều) lên mạng tốn rất nhiều thời gian, thậm chí không tải lên được. Khi ấy Alt Text, vốn là văn bản nên sẽ được tải lên nhanh chóng hơn. Người xem sẽ đọc văn bản ấy để hình dung được về hình ảnh chưa/không được tải lên là gì.

Những người khiếm thị được hưởng lợi nhờ điều này. Bằng một trình đọc màn hình (screen reader) thích hợp, họ có thể nghe được mô tả về hình ảnh ấy thông qua việc đọc Alt Text.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Telegram và Signal: Người hùng thời loạn?

Telegram và Signal là 2 ứng dụng có lượng người dùng tăng đột biến trong khoảng 2 tuần nay tại Mỹ. Một số người ở Việt Nam cũng chạy theo trào lưu này và hô hào sử dụng Telegram và Signal thay cho Facebook, Twitter. Thực hư điều này như thế nào?

Signal, Telegram là gì?

Điểm chung của 2 ứng dụng này là chúng đều là những ứng dụng nhắn tin trên nền tảng Internet, có tính bảo mật rất cao và miễn phí.

Telegram là phần mềm ứng dụng và phần mềm nhắn tin tức thời (IM, Instant Messaging) đa nền tảng, miễn phí. Dịch vụ được ra mắt vào ngày 14-8-2013 cho iOS và 2 tháng sau đó cho Android. Telegram cung cấp các cuộc gọi được mã hóa đầu cuối và các cuộc trò chuyện “bí mật” được mã hóa đầu cuối tùy chọn giữa hai người dùng trực tuyến trên smartphone. Người dùng có thể gửi tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại, hình động, thực hiện cuộc gọi thoại và video, đồng thời chia sẻ không giới hạn số lượng hình ảnh, tài liệu (2 GB mỗi tệp), vị trí người dùng, thông tin liên hệ và âm nhạc. Hiện nay, Telegram đã có hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Telegram cung cấp các cuộc gọi ẩn danh và bí mật. Ảnh minh họa: RFI

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Google mua Fitbit với giá 2,1 tỷ USD

Ngày 14-1-2021, Google công bố đã hoàn tất thương vụ mua lại Fitbit với giá 2,1 tỷ USD. Điều đáng chú ý là ý định mua Fitbit với giá nói trên đã được Google thông báo và xúc tiến thực hiện từ cuối năm 2019. Hơn một năm trời thương vụ mới hoàn tất khi vào cuối năm 2020 Liên minh Châu Âu thông báo rằng họ đã chấp thuận thỏa thuận, sau khi Google đưa ra một loạt cam kết về hoạt động theo kế hoạch của Fitbit và sử dụng dữ liệu sức khỏe của họ.

Trên website của mình, Fitbit công bố họ đã là thành viên chính thức của đại gia đình Google. Ảnh chụp màn hình.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để… làm bánh

Nói đến trí tuệ nhân tạo (AI) người ta thường nghĩ đến những ứng dụng cao siêu hoặc mang lại lợi ích lớn, như AI viết văn, dịch thuật hay AI đấu cờ với người, nhưng với Sara Robinson thì lại khác. Vốn là một chuyên gia về AI của Google, và lại đang có nhiều thời gian ở nhà do cách ly vì dịch bệnh, cô nghĩ đến việc ứng dụng AI để… làm bánh và trình bày lại kết quả ấy trên blog của mình.

Trên thực tế, lượt tìm kiếm về “nướng bánh” ở Mỹ tăng vọt trong tháng 11 và 12 năm 2020. Lý do chính là bấy giờ là mùa đông, mùa nghỉ lễ và nhất là nhiều người vẫn đang trong tình trạng cách ly, phải ở nhà. Không đi chơi xa được nên người ta ở nhà làm bánh. Thế nhưng Robinson Sara lại làm khác đi một chút, thay vì tự mình đi nướng bánh, cô lại nhờ AI hỗ trợ xem điều gì khiến các loại bánh khác nhau. Hơn nữa, cô muốn nhờ AI tạo ra công thức làm bánh mới!

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Người ta đang nói gì về tôi?

Chắc là có đôi khi bạn thắc mắc không biết người ta đang nói gì về mình? Điều này càng quan trọng hơn nữa nếu bạn là người của công chúng hay có địa vị xã hội. Biết được dư luận đang nhìn nhận thế nào về mình rất cần thiết để bạn có những ứng xử phù hợp. Điều tương tự đối với một sản phẩm, một cơ quan, một chiến dịch quảng cáo… người ta đều cần biết truyền thông đang nói gì về mình để tự đánh giá và hoàn thiện. Điều cần làm chính là giám sát truyền thông.

Giám sát truyền thông để làm gì?

Giám sát truyền thông (Media monitoring) là hoạt động theo dõi đầu ra của các phương tiện truyền thông bao gồm phương tiện in, Internet, truyền hình… Nó có thể được tiến hành vì nhiều lý do, bao gồm cả chính trị, thương mại, khoa học, v.v…

Giám sát truyền thông đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thương mại. Việc theo dõi các nguồn thông tin như blog, diễn đàn và mạng xã hội giúp công ty biết đuọc về cách người dùng cảm nhận dịch vụ hoặc sản phẩm của họ, từ đó có những điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thị trường.