Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Người Việt đang sử dụng ví điện tử ra sao?

Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo ngày 25-3-2020 đã công bố kết quả nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với những thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam. Trong xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong tình hình SARS-nCoV-2 đang bùng phát hiện nay, việc tìm hiểu về vấn đề này khá thiết thực không chỉ với người kinh doanh mà cả với người tiêu dùng.

Ví điện tử dùng để thanh toán gì nhiều nhất?

Nghiên cứu của Cimigo cho thấy MoMo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử. Các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ. Trong đó, MoMo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ (đối tác của Grab), nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.



Người dùng chi bao nhiêu tiền thông qua ví điện tử?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ số về tần suất sử dụng và giá trị chi tiêu trung bình hàng ngày của các ví điện tử phổ biến trên thị trường đều đang ở mức cao. Cụ thể, người dùng chi tiêu trung bình 230.000 – 274.000 đồng/giao dịch, với tần suất khoảng 1,6 – 2,2 giao dịch/ngày. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.

Về giá trị giao dịch, người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với 506.000 đồng và ZaloPay với 441.600 đồng.

Bà Lê Xuân Phương, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Cimigo, nhận định: “Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới. Theo đó, các ví điện tử đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ… được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới. Trong khi đó, các ví điện tử cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn… đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng phát triển to lớn.”

Người dùng có hài lòng với các loại ví điện tử hiện nay không?

Xét về mức độ hài lòng khi sử dụng, Moca, MoMo và ZaloPay có số điểm gần như ngang nhau. Tuy nhiên, lý do ảnh hưởng đến điểm số này có phần khác nhau. Với ví MoMo và Moca, yếu tố chính tạo nên sự hài lòng là “Ít gặp lỗi khi thanh toán”, còn đối với ZaloPay là “Dễ sử dụng”. Người dùng Moca có mức độ sẵn lòng giới thiệu thương hiệu tốt, với điểm số là 8,6; nhỉnh hơn ZaloPay và Momo lần lượt có điểm số 8,5 và 8,3.

Xét về mức độ gắn bó của người dùng, Moca hiện cũng đang là ví điện tử dẫn đầu với 95% khách hàng sử dụng Moca nói rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mại. Tỷ lệ này của Momo là 89% và ZaloPay là 84%.

Bà Lê Xuân Phương nói thêm: “Hiện nay, khuyến mại là một trong những chiến lược hàng đầu được áp dụng để thuyết phục người dùng sử dụng thương hiệu. Theo nghiên cứu, các chương trình khuyến mại đa dạng và thường xuyên cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến việc lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng. Do vậy, khi người dùng đã lựa chọn một thương hiệu ví điện tử và nói rằng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng dù không còn khuyến mại, thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy thương hiệu được sử dụng vì có khả năng đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu thực sự về dài hạn.”

Người dùng chọn ví điện tử dựa trên những tiêu chí nào?

Theo kết quả nghiên cứu, có 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng bao gồm: Giao diện thân thiện, dễ sử dụng; Có chương trình khuyến mại đa dạng, thường xuyên; An toàn và bảo mật; Liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; Được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; Đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ mới đạt được 14%. Trong tình hình dịch COVID-19 đang chuyển biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt mà tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm ví điện tử, theo đó sẽ ngày càng trở thành xu thế thanh toán được nhiều người dùng ưa chuộng.

Box:

Nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam được thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng 505 đáp viên độ tuổi từ 18 đến 45. Tại thời điểm tiến hành khảo sát (quý 4-2019), đáp viên có sử dụng ví điện tử trong một tháng qua và sử dụng ví điện tử ít nhất 4 lần trong 2 tháng qua.

Cimigo là công ty chuyên về nghiên cứu thị trường độc lập ở Châu Á, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 và hiện có văn phòng tại 7 thành phố lớn ở Việt Nam. Hiện nay, Cimigo đang hoạt động ở 6 nước Châu Á.

Thái Thư
Báo Đồng Nai - 30/03/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét