Nhân “Ngày Internet an toàn hơn” (Safer Internet Day), Microsoft vừa công
bố một báo cáo về Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến (Civility, Safety
& Interaction Online). Tìm hiểu về báo cáo này giúp ta hiểu rõ hơn thế nào
là văn minh trên không gian mạng cùng thực trạng về văn minh trên không gian mạng.
Bìa báo cáo về Văn minh,
An toàn và Tương tác Trực tuyến của Microsoft
Báo cáo về Văn minh,
An toàn và Tương tác Trực tuyến được thực
hiện như thế nào?
Báo cáo thể hiện mức độ văn minh, an toàn qua một thông số là
chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI: Digital Civility Index), tính theo
phần trăm, chỉ số càng nhỏ là càng văn minh và an toàn. Báo cáo bắt đầu được thực
hiện từ năm 2016, đến nay là năm thứ tư. Báo cáo lần này được lập trên cơ sở các
cuộc phỏng vấn qua web với thời gian mỗi cuộc là 14 phút, trên nội dung 21 rủi
ro trên mạng. Có tổng cộng là 12.520 người được phỏng vấn ở 25 quốc gia, trung
bình mỗi quốc gia là 500 người. Đối tượng phỏng vấn từ 13 đến 17 tuổi được xếp
vào loại trẻ em, từ 18 đến 74 được xếp vào loại người lớn.
Sau đây là 21 rủi ro trên mạng được cuộc khảo sát này nêu lên:
- Sự chú ý tình dục không
mong muốn
- Gạ gẫm gợi dục
- Liên lạc không mong muốn
- Nhận tin nhắn gợi dục không
mong muốn
- Quấy rối qua mạng
- Lời nói thù ghét
- Gửi tin nhắn gợi dục không
mong muốn
- Phân biệt đối xử
- Bịa đặt, lừa đảo, gian lận
- Nhận tin nhắn không lành mạnh
- Kỳ thị phụ nữ
- Đe dọa qua mạng
- Công kích vi mô
- Bị đùa nghịch, chọc giận
qua mạng
- Hăm dọa tung tin, ảnh sex
bị lộ
- Làm tổn hại danh tiếng cá
nhân
- Làm tổn hại uy tín nghề
nghiệp
- Trả thù bằng hành động khiêu
dâm
- Đánh cắp thông tin
- Kêu gọi khủng bố
- Hành hung
Các đáp viên sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến những rủi
ro này, như: đã từng gặp những rủi ro này chưa, lần gần nhất khi nào, rủi ro nào
lớn nhất, tác hại của rủi ro…
Tình trạng văn minh trên không gian mạng hiện nay theo báo
cáo DCI
Chỉ số Văn minh trên không gian mạng DCI chung tăng 4 điểm so
với năm trước, lên 70% (xin nhắc lại là chỉ số này tăng có nghĩa là văn minh kém
đi).
Những chủ đề dễ dẫn đến hành vi thiếu văn minh nhất, trên phạm
vi toàn thế giới là:
- Chính trị: 31%
- Ngoại hình: 31%
- Giới tính: 30%
- Tôn giáo: 26%
- Chủng tộc: 25%
Ở Việt Nam, các chủ đề dễ dẫn đến hành vi thiếu văn minh nhất
là:
- Quan hệ tình cảm: 48%
- Giới tính: 48%
- Ngoại hình: 35%
- Chính trị: 23%
- Chủng tộc: 23%
5 rủi ro gây ra nhiều tổn thương nhất là (trả lời câu hỏi: Bạn
chịu tổn thương như thế nào về tình cảm, tinh thần, thể chất khi gặp phải rủi
ro [loại rủi ro]?)
- Làm tổn hại danh tiếng cá
nhân: 80% (tăng 6% so với năm trước)
- Làm tổn hại uy tín nghề
nghiệp: 77% (tăng 6% so với năm trước)
- Đe dọa qua mạng: 74% (tăng
6% so với năm trước)
- Kỳ thị phụ nữ: 71% (tăng 15%
so với năm trước)
- Phân biệt đối xử: 71% (tăng
5% so với năm trước)
Đối với Việt Nam thì thứ tự 5 rủi ro gây ra nhiều tổn thương
nhất có khác hơn đôi chút:
- Kỳ thị phụ nữ: 86% (tăng 22%
so với năm trước)
- Làm tổn hại uy tín nghề
nghiệp: 82% (giảm 2% so với năm trước)
- Công kích vi mô: 82% (tăng
10% so với năm trước)
- Làm tổn hại danh tiếng cá
nhân: 81% (giảm 8% so với năm trước)
- Phân biệt đối xử: 77% (giảm
6% so với năm trước)
5 hành vi gây tổn thương
nhiều nhất trên không gian mạng, tại Việt Nam. Ảnh của Microsoft
Điều đáng chú ý là mức độ tổn thương do các rủi ro trên mạng
tăng cao so với năm trước. Kết quả trả lời câu hỏi “Các tổn thương về vật chất,
tinh thần, tình cảm của bạn nhiều như thế nào trước các rủi ro trên mạng?” như
sau:
- Không tổn thương: 8% (so với
16% năm trước)
- Tổn thương nhẹ: 24% (so với
29% năm trước)
- Tổn thương vừa phải: 31%
(so với 27% năm trước)
- Tổn thương trầm trọng: 37%
(so với 31% năm trước)
Như vậy tỷ lệ gánh chịu tổn thương lên đến 92%, trong đó tổn
thương vừa và nặng từ 58% lên đến 68%.
Tác hại từ những mối nguy hại trên không gian mạng tăng. Nỗi
đau, sự lo lắng và hậu quả trong thế giới thực liên quan đến những mối nguy hại
này đã tăng vọt vào năm 2019. Khảo sát cho thấy 7 loại hậu quả tăng mạnh nhất
trong năm 2019 là:
- Không còn muốn tham gia mạng
xã hội, blog, forum (tăng từ 23% năm 2017 đến 39% năm 2019)
- Tổn hại uy tín cá nhân (tăng
từ 11% năm 2017 đến 25% năm 2019)
- Mất tiền (tăng từ 14% năm
2017 đến 24% năm 2019)
- Muốn bỏ học (tăng từ 11% năm
2017 đến 15% năm 2019)
- Nghĩ đến việc tự tử (tăng
từ 7% năm 2017 đến 14% năm 2019)
- Bỏ việc (tăng từ 3% năm
2017 đến 13% năm 2019)
- Tổn hại thể chất (tăng từ
23% năm 2017 đến 39% năm 2019)
Mọi người nghĩ gì về văn minh trên không gian mạng trong
tương lai?
Nhìn về tương lai, đa số các đáp viên phỏng vấn đều tỏ thái độ
bi quan khi cho rằng tình trạng kém văn minh trên không gian mạng khó có thể được
cải thiện trong năm tới. Ở mức độ lạc quan hơn, họ cho rằng chỉ có thể cải thiện
tình trạng trong… thập niên tới.
Khi được hỏi về những dự đoán của chính mình về các hành vi
ứng xử trên không gian mạng trong tương lai, phản hồi của các đáp viên của 25
quốc gia như sau:
50% cho rằng các công ty công nghệ và mạng xã hội sẽ có
những công cụ và chính sách để khuyến khích các hành động văn minh trên mạng và
sẽ có những hình phạt thích đáng cho các hành vi sai phạm.
50% đáp viên tin rằng nhận thức và khả năng tự bảo mật dữ
liệu của mỗi cá nhân sẽ trở nên tốt hơn.
34% cho rằng số lượng phụ nữ bị xúc phạm trực tuyến sẽ giảm
đi.
33% cho rằng các trẻ vị thành niên sẽ ít bị ngược đãi hơn
33% tin rằng các thảo luận về chính trị sẽ mang tính xây
dựng hơn.
Microsoft đề xuất hành động để xây dựng văn hóa hành xử văn
minh trên không gian mạng
Để tạo nên một Internet Văn minh và An toàn hơn, Microsoft đề
xuất mọi người cùng tham gia Thử thách Văn minh Trực tuyến như sau:
Tôi chấp
nhận Thách thức để trở thành người đi đầu trong việc biến Internet thành một
nơi tốt hơn và an toàn hơn. Tôi cam kết thực hiện phần của mình mỗi ngày bằng
cách sống theo bốn lý tưởng Thử thách Văn minh Kỹ thuật số
Hãy chung
tay cùng Microsoft xây dựng một văn hóa hành xử văn minh hơn trên không gian
mạng, xây dựng một 2020 tốt đẹp hơn với Thử thách Văn minh Trực tuyến:
- Sống theo Quy luật vàng: Tôi sẽ hành động với sự đồng
cảm, sự thấu hiểu và lòng tốt trong mọi tương tác và đối xử với mọi người
mà tôi tương tác trực tuyến với sự tôn trọng.
- Tôn trọng sự khác biệt: Tôi sẽ đánh giá cao sự khác
biệt về văn hóa và coi trọng những quan điểm đa dạng. Khi tôi không đồng
ý, tôi sẽ thận trọng suy nghĩ và tránh công kích cá nhân.
- Suy nghĩ trước khi trả lời: Tôi sẽ tạm dừng và suy
nghĩ trước khi trả lời những điều tôi không đồng ý. Tôi sẽ không đăng hoặc
gửi bất cứ điều gì có thể làm tổn thương người khác, làm tổn hại danh
tiếng của người khác hoặc đe dọa sự an toàn của tôi hoặc sự an toàn của
người khác.
- Đứng lên vì bản thân và vì người khác: Tôi sẽ nói với
ai đó nếu tôi cảm thấy không an toàn, hỗ trợ cho những người là mục tiêu
của lạm dụng hoặc sự độc ác trực tuyến, báo cáo hành vi đe dọa sự an toàn
của bất cứ ai, và giữ bằng chứng về hành xử thiếu văn minh và chưa chuẩn
mực.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai Cuối tuần - 01/03/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét